Dự án - quy hoạch
Săn quỹ đất sạch với chiến lược M&A
Trọng Tín - 13/08/2020 16:28
Cùng với phát triển dự án hiện hữu, nhiều doanh nghiệp địa ốc như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, An Gia, LDG Group đang săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A).

Đồng thời với việc phát triển dự án hiện hữu, nhiều doanh nghiệp địa ốc như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, An Gia, LDG Group đang không ngừng săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

Sau khi mua lại khu đất vàng ở Đà Nẵng, Danh Khôi đang phát triển thành Dự án The Royal. Ảnh: T.T

Sẵn tiền chốt thương vụ

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, dư địa phát triển còn nhiều và quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính, việc sở hữu quỹ đất nhằm phục vụ chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán phải trăn trở.

Vì thế, thời gian qua, cùng với việc phát triển dự án hiện hữu, nhiều doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh hoạt động săn tìm quỹ đất mới. Ngoài những cái tên đã “làm mưa, làm gió” thị trường M&A một thời như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh…, thì thị trường bắt đầu xuất hiện thêm những nhân tố mới như Danh Khôi, An Gia, LDG Group.

Thực ra, mỗi doanh nghiệp đều có một chiến lược săn tìm dự án, tùy theo định hướng phát triển và khả năng tài chính của mình. Chẳng hạn, với Tập đoàn Danh Khôi, một trong những tay chơi mới nổi trên thị trường M&A, đang chọn thâu tóm những quỹ đất “vàng” tại các thành phố lớn để phát triển dòng sản phẩm bất động sản cao cấp.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Danh Khôi đã tiến hành M&A khá nhiều dự án lớn với mỗi thương vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua lại 100% vốn từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư Dự án Sun Frontier.

Được biết, chủ đầu tư cũ của dự án trên là công ty thành viên của Tập đoàn Sun Frontier Fudousan Co., Ltd - một trong những “ông lớn” bất động sản hàng đầu Nhật Bản.

Ngoài dự án trên, Danh Khôi cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm Dự án Đà Nẵng Hotel and Resort có quy mô diện tích 7,5 ha từ Công ty cổ phần Đầu tư Du Lịch Hà Nội Non Nước; mua lại 3 lô đất “vàng” có quy mô diện tích hơn 11.000 m2 tại Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP. Nha Trang, Khánh Hòa).

Nếu như Danh Khôi có chiến lược săn quỹ đất tập trung ở khu vực trung tâm của các thành phố lớn, thì với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia, chiến lược săn dự án lại nhắm vào nhu cầu thực của thị trường với sự đa dạng các phân khúc.

Mới đây, An Gia vừa gây sốt khi công bố dự kiến chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua quỹ đất và triển khai các dự án. Ngoài 33 ha quỹ đất tại TP.HCM, công ty này đang phát triển thêm 46 ha tại các tỉnh lân cận, nhằm hình thành các khu nhà ở liền kề khép kín, hướng tới trở thành đơn vị phát triển đô thị trong 5 năm tới.

Năm ngoái, An Gia đã mua quỹ đất có tổng giá trị 2.800 tỷ đồng của các dự án tại Bình Dương, Vũng Tàu và TP.HCM.

Trong khi đó, những tên tuổi có hoạt động săn quỹ đất mạnh thời gian qua như Hưng Thịnh và LDG Group cũng đã thực hiện nhiều thương vụ ngàn tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay.

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư LDG Group đã công bố chính thức nhận chuyển nhượng 99,99% cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, trở thành chủ đầu tư Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (quận Thủ Đức, TP.HCM). Dự án này sẽ mang tên mới là Khu căn hộ cao cấp LDG River, tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.153 tỷ đồng.

Còn với thị trường bất động sản các tỉnh, Hưng Thịnh Corp thông qua thương vụ M&A thâu tóm một khu đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại nhiều dự án tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), trong đó, đáng chú ý là dự án tại Nhơn Hội với quy mô hơn 1.000 ha.

Chiến lược hậu M&A

Xét ở góc độ thành công của một thương vụ M&A, các chuyên gia cho rằng, không phải sẵn tiền chốt thương vụ là thành công, mà phải nói đến khả năng quản lý dòng tiền và năng lực phát triển dự án, bởi nếu dự án được M&A mà không ra được thành phẩm để bán, thì lợi thế này sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Còn với Công ty An Gia, mục tiêu cao nhất mà doanh nghiệp này hướng đến là đi tới đâu sẽ tăng giá trị cho khu vực đó. Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia cho biết, chiến lược của An Gia là tập trung phát triển khu đô thị hoàn chỉnh. Hiện tại, doanh nghiệp có 2 quỹ đất 30 ha tại Long An, 30 ha tại Bình Chánh (TP.HCM). An Gia sẽ làm theo chiến lược đi từ thấp lên cao, trong đó, thị trường chính là TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai), Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…

Tương tự, sau khi mua lại các dự án, Công ty cổ phần Đầu tư LDG Group đang lên kế hoạch triển khai khá mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch LDG, thời gian qua, Công ty đã thực hiện thành công 5 thương vụ M&A dự án và đang lên kế hoạch triển khai các dự án này trong thời gian tới. Đó là Dự án LDG Sky (gồm 5 tòa nhà căn hộ, 30 tầng, tại của ngõ phía Bắc TP.HCM), LDG River (5 block chung cư tại quận Thủ Đức, TP.HCM), Khu phức hợp thể thao, giải trí, dịch vụ du lịch LDG Grand miền Nam (gần 223 ha, tại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)…

“LDG đang triển khai 5 dự án chiến lược sẽ mang về dòng tiền tốt cho Công ty trong 5 năm tiếp theo”, ông Hưng nói.

M&A sẽ gia tăng mạnh do tác động từ kinh tế chung và việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc không bán được sản phẩm do dịch bệnh, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang tìm kiếm, chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE
Tin liên quan
Tin khác