Doanh nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt thách thức
Minh Nhung - 07/06/2023 15:49
Tình trạng sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo có thể còn tiếp tục trọng thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế đất nước.

Tốc độ tăng Chỉ số Sản xuất  toàn ngành công nghiệp (IIP) bắt đầu chậm lại từ quý IV/2022 (chỉ tăng 3%) và giảm trong các tháng đầu năm 2023. Đây là hiện tượng hiếm thấy và ngược chiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm nay giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).

Đáng chú ý, IIP giảm/tăng thấp diễn ra ở 2 ngành chủ yếu: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tiêu chí chủ yếu nhất của nước công nghiệp - tăng thấp hơn và giảm sâu hơn so với toàn ngành; ngành khai khoáng có tỷ trọng lớn thứ 2 giảm 3,5%. Ngành là sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,8%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%, nhưng 2 ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.

Trong 32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 16 sản phẩm bị giảm. Đặc biệt, một số sản phẩm giảm sâu (trên 10%), hoặc sản phẩm có giá trị lớn là dầu thô, khí đốt, khí hỏa lỏng, vải dệt từ sợi tự nhiên, quần áo, giày dép da, urê, xi măng, thép, điện thoại, linh kiện điện thoại, ô tô, xe máy… Đó là những sản phẩm vốn có thế mạnh về lao động, kỹ thuật - công nghệ và thị trường.

Sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những địa phương trọng điểm về công nghiệp của cả nước, như Quảng Nam, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Những diễn biến trên đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, đến tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, đến mục tiêu tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế và GDP bình quân đầu người đã đề ra cho cả năm 2023 cũng như mục tiêu 5 năm 2021 - 2025.

Theo đánh giá, tình trạng này có thể còn tiếp tục trong những tháng tới, do nhiều yếu tố.

Trước hết, là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp. Toàn ngành giảm 3,5%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu hơn (3,7%). Một số ngành cụ thể còn giảm sâu hơn nữa, như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại; dệt, may; sản xuất da và các sản phẩm khác có liên quan; sản xuất vật liệu xây dựng…

Thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy, có 42/63 địa bàn có chỉ số sử dụng lao động giảm, trong đó có 19 địa bàn giảm sâu, như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Vốn đầu tư tuy có chuyển biến, nhất là vốn FDI thực hiện tăng trở lại và tiếp tục tập trung cho công nghiệp; vốn đầu tư công giải ngân có khá hơn, nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, hơn 1 triệu tỷ đồng vẫn “nằm im” trong ngân quỹ.

Nhập khẩu vật liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất giảm, cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp rất khó khăn.

Trong 5 tháng qua, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp giảm 1,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 20,3%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 34,1%. Những doanh nghiệp đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra.

Về sản xuất, những hạn chế của ngành công nghiệp tuy có cải thiện, nhưng chưa đáng kể. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu; tính gia công, lắp ráp còn lớn; tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ kỹ thuật công nghệ cao còn thấp.

Đặc biệt, ở đầu ra, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp giảm, trong đó có một số mặt hàng giảm sâu hơn tốc độ chung hoặc những mặt hàng có kim ngạch lớn, như sợi dệt, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép… Kim ngạch giảm có phần do lượng sản xuất giảm, có phần do giá xuất khẩu giảm, có phần do địa bàn, do thị trường…

Tin liên quan
Tin khác