Là 1 trong 3 trụ cột năng lượng quốc gia, vị thế của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày được khẳng định với những thành tựu đáng tự hào.
Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá của TKV trong 30 năm qua được ghi nhận với những bước tiến mới về hạ tầng công nghệ và trình độ khai thác, về trách nhiệm với địa phương trong tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Đảm bảo an ninh năng lượng
Từ năm 1995, sau khi TVN đi vào hoạt động, sản lượng than đã ngày càng tăng cao không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có xuất khẩu thu ngoại tệ vừa góp phần cải thiện cán cân thương mại, góp phần thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tích lũy đầu tư phát triển mở rộng sản xuất than và phát triển các ngành khác trên nền sản xuất than.
Rót than tại Công ty tuyển than Cửa Ông. |
Năm 1997, ngành than đã đạt sản lượng 11,3 triệu tấn, đánh dấu lần đầu tiên ngành than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000. Rất nhanh chóng, các kỷ lục mới đã xuất hiện.
Năm 2002, TKV đạt sản lượng 15,4 triệu tấn, đạt mục tiêu sản lượng Quy hoạch phát triển ngành than đề ra cho năm 2005.
Vào năm 2005, với sản lượng đạt được là 31,5 triệu tấn, TKV lại tiếp tục bỏ xa mục tiêu sản lượng được Quy hoạch đề ra cho năm 2020. Năm 2007, TKV đạt sản lượng 42,2 triệu tấn, vượt mốc 40 triệu tấn/năm và đã duy trì mức sản lượng quanh 40 triệu tấn/năm từ đó tới nay.
Tổng doanh thu than đã tăng từ gần 1.300 tỷ đồng năm 1994 lên 175.000 tỷ đồng năm 2024, tăng gần 135 lần.
Đặc biệt, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển mạnh mẽ trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Nhờ đó đã tăng sản lượng than hầm lò từ 1,8 triệu tấn năm 1994 (chiếm 25% tổng sản lượng than) lên 27 triệu tấn năm 2024 (chiếm 73 % tổng sản lượng than) và tăng 15 lần.
Kiểm tra vỉ chống lò. |
Công suất than sản xuất từ lò chợ cũng đã tăng từ 20.000 - 50.000 tấn/năm lên bình quân 200.000 tấn/năm. Thậm chí, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty Than Hà Lầm đạt đạt công suất 1,2 triệu tấn/năm - gấp 60 lần công suất lò chợ giai đoạn 1994.
Hệ số tổn thất than cũng giảm từ mức 40 - 50% xuống còn 19,02 %.
Có thể nói lĩnh vực khai thác than hầm lò đã trưởng thành và đảm đương vai trò chính trong việc khai thác than theo hướng thân thiện với môi trường.
Cũng đóng góp vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV đã đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án điện. Đến năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện TKV đã đi vào hoạt động là 1.730 MW.
Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên trên 10 tỷ kWh năm 2023 (tăng 13,9 lần), doanh thu tăng từ 432 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng (tăng 32 lần).
Sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao.
Từ năm 2006 đến 2023, sản lượng sản xuất đã tăng từ 46.000 tấn lên 65.600 tấn (tăng gần 1,5 lần) và sản lượng cung ứng tăng từ gần 76.000 lên 102.000 tấn (tăng 1,3 lần), tương ứng doanh thu tăng từ 1.200 tỷ đồng lên hơn 7.400 tỷ đồng (tăng hơn 6 lần).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Đắc Nông TKV. |
Trong mảng khoáng sản, từ chỗ chủ yếu khai thác và sản xuất quặng tinh, phần lớn để xuất khẩu, TKV đã đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản, luyện kim như Nhà máy luyện đồng (Lào Cai) để sản xuất đồng kim loại công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2008) đến nay đã đầu tư mở rộng nâng lên 30.000 tấn/năm; Nhà máy kẽm điện phân (Thái Nguyên) công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2007); Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) công suất 650.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2013), Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) công suất 650.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2017).
Hai nhà máy hàng năm đạt sản lượng 1,45 triệu tấn Alumin quy đổi, vượt 10 % công suất thiết kế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc đưa các nhà máy luyện kim và 2 nhà máy chế biến alumin nêu trên đi vào hoạt động đã tạo ra sự phát triển đột phá về chất của của ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam theo hướng chế biến sâu đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, vừa nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.
Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước
Năm 1994, tổng doanh thu của Tập đoàn là 2.450 tỷ đồng thì tới năm 2023, doanh thu toàn Tập đoàn đã đạt 1,3 triệu tỷ đồng.
Tổng tài sản toàn Tập đoàn tăng trưởng đều qua các năm. Giai đoạn 10 năm đầu mới thành lập, bình quân tổng tài sản đạt 4.250 tỷ đồng, Từ năm 2004 - 2013 bình quân tổng tài sản đạt 62.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2023 bình quân tổng tài sản đạt 128.900 tỷ đồng, năm cao nhất là 2017 với giá trị 140.000 tỷ đồng.
Cơ giới hoá khai thác than hầm lò. |
Giá trị tổng tài sản của toàn Tập đoàn tại thời điểm năm 2023 đã tăng hơn 112.000 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 67 lần so với năm 1994, điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc quy mô của TKV về cả chiều rộng và chiều sâu trong sản xuất kinh doanh.
Trong hành trình phát triển của mình, TKV đã thực hiện sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Tập đoàn ngày càng tăng cao, trên cơ sở đó tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo an toàn và khả năng thanh toán của Tập đoàn.
Từ khi thành lập đến hết năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của Toàn tập đoàn đạt 91.300 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 778 tỷ đồng lên 40.900 tỷ đồng.
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 280.000 tỷ đồng.
Phát triển bền vững cùng cộng đồng
Với việc chủ động hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường ngay từ khi thành lập, hàng năm Tập đoàn các công ty TKV đã chi hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do quá khứ để lại và ngăn ngừa ô nhiễm mới phát sinh, vì vậy môi trường cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV “luôn đảm bảo thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” tiến dần tới mục tiêu “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ” và tiến trình “Đưa công viên vào trong Mỏ, Nhà máy”.
Trồng cây năng lượng hoàn nguyên đất khai thác bauxit. |
TKV cũng đã hoàn thành nhiều dự án cải tạo, phục hồi môi trường; nạo vét, xây kè hệ thống sông suối thoát nước, hồ chứa nước; xây đập chắn đất đá ở chân bãi thải; cải tạo, xây dựng các tuyến đường vận tải chuyên dụng; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dập bụi, thu gom, tái chế chất thải.
Hoạt động trồng cây phủ xanh cải tạo các khu vực sau khai thác mỏ phục hồi môi trường sinh thái đã đạt trên 21.000 ha, hàng năm xử lý nước thải mỏ với khối lượng 140 -150 triệu m3 đảm đảo tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động kết nối trực tiếp và truyền dữ liệu liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
TKV đã hoàn thành thực hiện “Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than giai đoạn 2016 - 2020” đảm bảo cam kết với tỉnh Quảng Ninh để giải quyết các nguy cơ, thách thức về môi trường, phòng chống thiên tai xuất hiện sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2015, đảm bảo an toàn cho sản xuất và dân cư, bảo vệ môi trường chung, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phòng điều hành sản xuất Công ty Nhôm Đắc Nông. |
Tính đến thời điểm 1/1/2024, TKV chỉ còn 65 công ty con, đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Do tái cơ cấu tổ chức, định biên lại lực lượng lao động, xử lý lao động dôi dư và áp dụng các giải pháp 3 hóa (cơ giới hóa - tự động hóa - tin học hóa), số lao động toàn Tập đoàn đã giảm từ 121.990 người hồi năm 2014 xuống còn 94.670 người vào đầu năm 2024.
Công tác an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động được đặc biệt quan tâm. Ngoài các hoạt động khác theo quy định của pháp luật và quy phạm an toàn, TKV đã giao Bệnh viện Than Khoáng sản đặc trách công tác chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh nghề nghiệp, rửa phổi cho người lao động; Trung tâm cấp cứu mỏ và Trung tâm An toàn Mỏ đặc trách công tác an toàn lao động
Bữa ăn tự chọn của công nhân mỏ đảm bảo dinh dưỡng. |
Nhờ những giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nên tình hình môi trường vùng mỏ, an toàn và sức khỏe người lao động từng bước cải thiện đáng kể, trên cơ sở đó các hoạt động SXKD của Tập đoàn đang phát triển theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Đồng thời, TKV cùng các đơn vị thành viên luôn tích cực tham gia thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật, công tác từ thiện... với tổng kinh phí đóng góp từ năm hàng ngàn tỷ đồng, tiêu biểu như: hỗ trợ 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ngày 27/12/2008 là 241 tỷ đồng; đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với kinh phí trên 163 tỷ đồng và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 150 tỷ đồng; tại Tỉnh Lâm Đồng TKV đã hỗ trợ 320 tỷ để cải tạo Tỉnh lộ 725 khi xây dựng dự án Alumin Tân Rai. Tại Tỉnh Đắc Nông hỗ trợ 180 tỷ đồng cho Tỉnh để xóa nhà dột nát; hỗ trợ Xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trị giá 245 tỷ đồng; Xây dựng Quảng trường thành phố Cẩm Phả 94 tỷ đồng…Trong đại dịch Covid-19 TKV đã chi trực tiếp từ Công ty mẹ TKV để hỗ trợ Trung ương và các địa phương công tác phòng chống dịch bệnh với số tiền 289 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ mua vắc-xin, thuốc và trang thiết bị dụng cụ y tế các loại.
- Sản lượng than thương phẩm: từ 35 đến 40 triệu tấn
- Nhập khẩu than: 15 đến 20 triệu tấn.
- Tổng doanh thu: 8 tỷ USD.
- Tổng mức đầu tư giai đoạn 2025 - 2030: 173.000 tỷ đồng. Trong đó, khối công nghiệp than 60.000 tỷ đồng; khối công nghiệp khoáng sản 98.000 tỷ đồng; khối công nghiệp điện 5.000 tỷ đồng; khối vật liệu nổ công nghiệp và các lĩnh vực khác 10.000 tỷ đồng.
- Các sản phẩm khác: 4 triệu tấn Alumina; 900.000 tấn nhôm thỏi; 160.000 tinh quặng ilmenite; 100.000 tấn xỉ titan; 30.000 tấn đồng tấm (kèm theo 940 kg vàng và 1.150 kg bạc); 15.000 tấn kẽm thỏi; 6 triệu tấn tinh quặng sắt; 30.000-80.000 tấn quặng đất hiếm; 61.000 tấn thuốc nổ công nghiệp; 205.000 tấn Amon Nitrat và 11 tỷ kWh điện.