Anh Phan Văn Tiến có 5 công trồng sầu tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, hiện giá sầu riêng Ri6 mua tại vườn chỉ có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, nghĩa là rớt mạnh từ 150.000 đồng/kg xuống còn chưa đến một nửa so với trước đó chỉ khoảng 10 ngày.
Giá sầu riêng trong nước giảm mạnh, người trồng sầu riêng lo sợ lỗ lớn. (ảnh G.H) |
Anh Tiến lý giải, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn khiến không còn nước để tưới. Các đập chứa nước tưới đều đóng để ngăn mặn từ khoảng tháng 2 âm lịch, nước trữ cũng không còn mà độ pH lại ở mức 0,8 - 0,9 làm giảm sản lượng lẫn chất lượng như bị cháy lá làm không đậu trái cao, còn trái đậu thì bị cháy múi.
“Diễn biến giá rớt liên tục khiến tâm lý nông dân sẽ cắt non càng dẫn đến giá giảm mạnh, dội chợ”, anh Tiến nói.
Tương tự, lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, Tiền Giang thông tin, hiện giá sầu riêng trên địa bàn huyện đã giảm khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước.
Khảo sát tại Đồng Nai và một vài tỉnh Tây Nguyên thì sầu riêng loại 1 thu mua tại vườn hiện cũng chỉ từ 63.000 đến trên dưới 70.000 đồng/kg.
Một thương lái chuyên thu gom sầu để xuất sang Trung Quốc cho biết, bên cạnh các yếu tố trên thì hiện sầu riêng đã vào mùa thu hoạch cũng là phần nguyên nhân đưa giá sầu giảm.
“Trong 7 năm qua chưa bao giờ sầu Thái rớt mạnh như vậy. Từ 250.000 đồng/kg mà nay còn chỉ 110.000 – 120.000 đồng. Nỗi lo của thương lái là giá sẽ còn giảm nữa, bởi hiện phía Trung Quốc liên tục giảm. Trường hợp thương lái đã cọc với người dân buộc phải có sự đàm phán lại nếu không sẽ không thể bù lỗ nổi”, người này cho hay.
Thêm vào đó, hiện Thái Lan, Indonesia cũng đang rộ vụ thu hoạch và đây cũng là những thị trường cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc.
Cộng thêm những thông tin cắt hàng non, sầu riêng nhiễm Cadimi như thời gian qua, nhiều dự báo giá của loại trái cây này sẽ khó quay đầu lại mức giá cao như trước đó.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về chuyện nhiều thông tin cho rằng giá sầu riêng có có thể quay về mức thấp nhất chỉ từ 30.000 – 40.000/kg. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định đây là điều khó thể xảy ra. Bởi theo ông Nguyên, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 ít người mua nhưng giá loại quả này còn không rớt về mức giá đó.
“Vô chính vụ, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…cùng Việt Nam đổ dồn vô Trung Quốc thêm hạn mặn, hạn hán khiến chất lượng sầu không tốt thì buộc giá phải giảm. Theo tôi khó có thể rớt về mức giá 30.000 – 40.000 mà tối thiểu chỉ cỡ 60.000 đồng”, ông Nguyên dự báo.
Vậy thì theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc mà chúng ta cần làm là giữ chất lượng, giữ thương hiệu để tăng năng lực cạnh tranh với các thị trường khác bằng cách trồng trọt theo tiêu chuẩn nhất là VietGap, sử dụng phân bón, thuốc đúng liều lượng, tiêu chuẩn cho phép vì Trung Quốc hiện rất gắt gao về vấn đề này.
“Năm 2023, riêng Thái Lan xuất vào Trung Quốc cả triệu tấn sầu chưa kể các nước khác. Trung Quốc hiện rất kỹ lưỡng trong lựa chọn sầu riềng, nếu không đạt chuẩn họ sẽ giảm mua và độ tin cậy của mình cũng bị giảm. Bà con cũng tránh tình trạng cắt non chạy theo lợi nhuận mà quên lợi ích lâu dài”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho lời khuyên.