Tài chính - Chứng khoán
Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng
Thế Hải - 04/03/2023 15:27
Tính đến hết ngày 31/12/2022, số dư quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn 4.613 tỷ đồng, tổng số trích Quỹ BOG tính riêng trong quý IV/2022 là 2.155 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/12/2022, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỷ đồng

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính vừa thông tin về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022 hơn 4.617 tỷ đồng.

Trong quý IV/2022, tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là hơn 2.155 tỷ đồng (từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022). Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý IV/2022 là trên 1,4 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương trong quý IV/2022 là trên 2 tỷ đồng.

Trước đó, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại thời điểm 30/9/2022 ở mức 2.540,4 tỷ đồng.  Như vậy, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã tăng gấp đôi sau 3 tháng.

Trong đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp trích lập nhiều nhất, với hơn 991 tỷ đồng, tiếp đến là PV Oil trích lập hơn 282 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng số tiền sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn xăng dầu trong quý IV/2022 là 79,2 tỷ đồng.

Trước đó, nêu quan điểm tại hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu", TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, chưa giúp bình ổn giá trong nước.

Theo TS. Phạm Thế Anh, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu.

Cùng đó, Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn".

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong góp ý cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 83 và 95 cũng cho rằng, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước, đó là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh.

Tin liên quan
Tin khác