Doanh nghiệp
Start-up cần chuẩn bị kỹ càng trước khi gọi vốn
Đức Thọ - 24/12/2022 08:25
Quá trình gọi vốn thường kéo dài vài tháng, thậm chí cả năm. Nếu không chuẩn bị kỹ, start-up có thể rơi vào tình trạng… hết tiền trước khi gọi được vốn.

Chia sẻ kinh nghiệm với các start-up, Quỹ đầu tư ThinkZone Ventures nhấn mạnh, các nhà sáng lập cần cân nhắc việc gọi vốn khi start-up đạt ngưỡng chỉ còn khoảng 12 tháng runway (khoảng thời gian ước lượng còn lại trước khi start-up đó sử dụng hết số tiền hiện có). Lý do là, không phải start-up cần tiền là nhà đầu tư sẽ rót vốn ngay, ngược lại, start-up cũng cần một khoảng thời gian khá dài để tìm kiếm nhà đầu tư, thuyết phục họ và thực hiện các thủ tục cần thiết để nhận đầu tư.

Từ đó, ThinkZone Ventures đưa ra một số gợi ý cho start-up chuẩn bị dần trong vòng 6 - 12 tháng trước khi chính thức gọi vốn.

Đầu tiên, start-up cần nắm rõ các chỉ số kinh doanh và nhu cầu gọi vốn. Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có rất nhiều chỉ số, nhưng nhà sáng lập cần xác định rõ, với mô hình kinh doanh của mình, đâu là chỉ số quan trọng nhất, đâu là chỉ số cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng phát triển. Việc nắm rõ các chỉ số kinh doanh sẽ giúp start-up và nhà đầu tư tiềm năng xác định được vấn đề/nhu cầu hiện tại của mình, từ đó hoạch định được những việc cần làm trong thời gian tới cùng lượng vốn cần gọi.

Thứ hai, xác định lượng vốn cần gọi và các kế hoạch dự phòng. Từ KPI về tăng trưởng trong tương lai và các số liệu về chi phí trong quá khứ, start-up cần lập bảng dự trù tài chính trong 1 - 2 năm tới và ước lượng xem mình cần thêm bao nhiêu tiền. Bên cạnh đó, start-up cũng cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, như không thể gọi được vốn. 

Thứ ba, nói chuyện với các nhà đầu tư hiện tại. Các nhà đầu tư vào start-up ở những vòng trước có thể sẽ có những tư vấn hữu ích về việc chọn nhà đầu tư phù hợp, làm “cầu nối” giới thiệu, hỗ trợ thẩm định và ủng hộ start-up khi gọi vốn. Đội ngũ sáng lập cũng cần trò chuyện và đạt được sự đồng thuận từ các nhà đầu tư này về kế hoạch gọi vốn sắp tới của mình, hoàn toàn có thể mời họ tiếp tục đầu tư vào vòng tới.

Thứ tư, tính toán định giá công ty và dự kiến tỷ lệ cổ phần để “đổi” lấy số vốn đang kêu gọi đầu tư. Để chuẩn bị tốt cho điều này, mỗi start-up cần ước lượng trước về giá trị công ty, tính toán xem bản thân còn lại bao nhiêu cổ phần sau vòng gọi vốn. Đội ngũ sáng lập cũng đừng quên thảo luận với các nhà đầu tư hiện tại, bởi họ có thể sẽ đưa ra nhiều tư vấn hữu ích giúp start-up xác định được mức định giá phù hợp nhất, cùng chiến lược gọi vốn và cấu trúc đầu tư thích hợp.

Thứ năm, chuẩn bị “pitch deck” (tài liệu tổng hợp những thông tin tổng quan và cốt lõi nhất trong vòng gọi vốn đó của start-up). Đây là cơ sở đầu tiên để start-up gây ấn tượng với nhà đầu tư. Một pitch deck căn bản thường có các nội dung như: thông tin doanh nghiệp, vấn đề thị trường, giải pháp mà start-up cung cấp, các chỉ số kinh doanh, tầm nhìn, đối thủ trên thị trường, kế hoạch sử dụng vốn…

Start-up cần lưu ý, pitch deck là công cụ để nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về sản phẩm và mô hình kinh doanh, cũng như tiềm năng của mình, vậy nên, hãy nhấn mạnh những nội dung thể hiện rằng start-up có thể thành công và đang trên đà đạt được thành công, như tiềm năng thị trường, năng lực đội ngũ, tỷ lệ tăng trưởng...

Cuối cùng, lập danh sách nhà đầu tư tiềm năng. Mỗi start-up cần tìm hiểu và lập một danh sách các nhà đầu tư có “khẩu vị” (quy mô đầu tư, lĩnh vực quan tâm, giai đoạn đầu tư...) phù hợp với mình. Một lần nữa, nên đề nghị các nhà đầu tư hiện tại gợi ý về những nhà đầu tư/quỹ đầu tư mới cùng cách tiếp cận cho phù hợp. Trong nhiều trường hợp, start-up có thể nhờ nhà đầu tư hiện tại đứng ra làm người giới thiệu với các quỹ mới, từ đó tăng thêm uy tín và vị thế của start-up khi thương thảo cùng các quỹ.

Tin liên quan
Tin khác