Anh T., TP.HCM hút thuốc lá hơn 10 năm với tần suất hơn 1 gói mỗi ngày. Trong một lần thăm khám các bác sỹ phát hiện ngón út và áp út chân phải chuyển đen không hết, anh mới đi khám ở một bệnh viện lớn, được chẩn đoán hội chứng viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới (Bệnh Buerger), buộc phải tháo hai ngón chân.
Thuốc lá có nhiều sức khỏe với người dùng. |
Sau khi tháo ngón, vị trí tháo không có mạch máu nuôi nên không lành mà vết thương ngày càng lan rộng. Các lần tái khám tiếp theo, kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu chân cho thấy động mạch bị viêm tắc, teo nhỏ, khiến máu xuống vết mổ rất hạn chế. Do mạch máu nhỏ nên không thể phẫu thuật để tái thông dòng máu.
Vì vậy, anh T. được mổ cắt hạch thần kinh giao cảm thắt lưng với hy vọng các mạch máu nhỏ sẽ nở ra, giúp vết thương nhanh hồi phục hơn.
Trong 3 tháng tiếp theo, vết thương không lành, nhiều giả mạc xuất hiện cần phải cắt lọc. Mỗi lần cắt lọc vết thương là một lần anh T. chịu cơn đau tận xương tủy. Vết mổ ngày càng hoại tử nặng, anh có nguy cơ phải cắt đến cẳng chân.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bày tỏ mong muốn giữ được chân vì anh còn trẻ và năng động. Lúc này, bàn chân phải của anh chỉ còn 3 ngón, vết thương quanh 2 ngón đã tháo bị lở loét, có mủ, hoại tử nặng.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thông tin, bệnh nhân T. là trường hợp hoại tử chân rất nặng, các bác sĩ đã tính đến phương án cắt bỏ cả bàn chân, thậm chí đến cẳng chân.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng liệu pháp chân không VAC, vết thương hoại tử được xử lý tiến triển tốt, mau liền da trước và sau mổ bắc cầu mạch máu chân.
Sau phẫu thuật, các lần tái khám siêu âm cho thấy mạch máu ghép hoạt động hiệu quả, không tắc hẹp, máu lưu thông tốt, đồng thời có tưới máu mô đầu các ngón chân. Đặc biệt, theo dõi sau mổ vết thương lành rất nhanh, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu để đôi chân linh hoạt hơn sau thời gian dài ngồi xe lăn.
Cũng theo bác sỹ Hoài, viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới (Buerger) là bệnh lý thường gặp ở những người trẻ từ 20-40 tuổi, đặc biệt là những trường hợp hút thuốc lá nhiều. Đây là tình trạng các mạch máu ở chân, cánh tay, bàn chân và bàn tay bị viêm, phù nề, gây hẹp lòng mạch khiến máu khó lưu thông.
Cục máu đông cũng có thể hình thành, cản trở trong lòng mạch máu. Kết quả là mô bị thiếu máu tổn thương, thường bắt đầu từ ngón tay và ngón chân, sau đó lan lên cao. Nếu để lâu không điều trị, sẽ dẫn tới một loạt biến chứng nguy hiểm như hoại tử ngón chân/ngón tay/bàn chân/bàn tay, phải đoạn chi lên cao. Bệnh gặp ở các mạch máu não sẽ tăng nguy cơ đột quỵ.
Bệnh Buerger không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mọi biện pháp chữa trị đều nhằm cải thiện triệu chứng.
Phần lớn những người mắc bệnh Buerger do hút thuốc lá. Chính vì thế, bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cũng như giảm triệu chứng bệnh. Những trường hợp nặng cần kết hợp nhiều biện pháp giúp ổn định vết thương, chẳng hạn như uống thuốc (giúp giảm đau, thúc đẩy lưu thông máu, kích thích các mạch máu mới phát triển, phá vỡ cục máu đông), liệu pháp VAC, mổ bắc cầu mạch máu…, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
Về tác hại khi làm dụng thuốc lá, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (theo nghiên cứu Bệnh viện K).
25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Ngoài ra, hiện số tiền chi cho thuốc là là khoảng 49.000 tỷ VNĐ/năm (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.