Y tế - Sức khỏe
Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm bùng phát trong mùa Đông - Xuân
D.Ngân - 17/12/2024 11:59
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông - Xuân.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tại, tình hình bệnh truyền nhiễm cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, số mắc gia tăng một số bệnh có vắc-xin dự phòng (như bệnh sởi, ho gà) và một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại. Thời tiết mùa Đông - Xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp.

Cục Y tế Dự phòng yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác phân luồng khám chữa bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn này, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các Sở Y tế theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cơ quan y tế cần thực hiện giám sát thường xuyên, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lây qua đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus, xử lý kịp thời ổ dịch để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các sở y tế cần phối hợp với các Viện Vệ sinh Dịch tễ và Pasteur để lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện tác nhân gây bệnh, phân tích nguy cơ và đề xuất các biện pháp phù hợp.

Đồng thời cần đảm bảo tiến độ và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng đã được phê duyệt. Cùng với đó, thực hiện rà soát và tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Cục Y tế sự phòng yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác phân luồng khám chữa bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Đặc biệt, phải kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, chú trọng đến các trường hợp có nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật,…

Để phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả, Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường giám sát và phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người, như cúm gia cầm.

Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở để nâng cao nhận thức cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh, khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Các sở y tế cần rà soát đảm bảo đủ nhân lực, kinh phí, thuốc, vắc-xin và các vật tư thiết bị phục vụ công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia tiêm phòng và áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân để bảo vệ cộng đồng.

Theo chuyên gia y tế, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp nhất vào mùa Đông - Xuân. Trẻ em mắc sởi rất dễ gây các biến chứng nghiêm trọng và đặc biệt nếu không được cách ly tốt bệnh rất dễ trở thành dịch. 

Ngoài dịch sởi, theo các bác sỹ, thời tiết nồm ẩm sắp tới là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ em.

Chẳng hạn, bệnh thủy đậu, dù không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

Sốt virus, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.

Ngoài ra, các căn bệnh hô hấp, trẻ thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.

Bệnh tiêu chảy cấp cũng là bệnh dễ mắc trong thời tiết nồm ẩm, giao mùa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virus Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay ký sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.

Khi trời nồm ẩm, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do vậy, để phòng bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống, làm khô không gian sống; vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân;

Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Với trẻ nhỏ theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cần lưu ý tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sỹ để được tư vấn.

Tin liên quan
Tin khác