Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại Quảng Ninh là hoạt động đầu tiên của cộng đồng khoa học và doanh nhân Việt Nam hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển bền vững.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |
Phát biểu đề dẫn, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy, cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
“Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Do đó, hội nghị này sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học, thúc đẩy tiếp cận khoa học công nghệ, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Tỉnh Quảng Ninh cũng huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tư nhân phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 của tỉnh đạt trên 294.000 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 35% vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách hàng năm; tạo công việc cho trên 50.000 người lao động với mức thu nhập ổn định.
Tại Việt Nam, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách đã giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Hiện, kinh tế tư nhân ở Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk,... và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để hoàn thành cho các mục tiêu về kinh tế xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025, cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như chưa thật sự được bình đẳng như các khu vực kinh tế khác trong tiếp cận các nguồn lực về tài chính, đất đai, hay những bất cập, thiếu đồng bộ trong thể chế phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2024 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh đó, tiếng nói thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và hệ sinh thái doanh nhân trẻ nói riêng trong hoạch định chính sách cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, sự phát triển của quốc gia là rất cần thiết. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách VUSTA, Hội nghị năm nay tiếp tục liên kết hợp tác 3 nhà là Chính quyền - doanh nghiệp - viện nghiên cứu, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái nghiên cứu truyền thông chính sách. Tất cả các giới cần nâng cao năng lực chia sẻ thông tin, tăng cường góp ý chính sách, đồng hành liên kết cơ sở dữ liệu xây dựng và phát triển khoa học chính sách tại Việt Nam.
Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thiệu về vòng tròn chính sách, các diễn giả chia sẻ về thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu và truyền thông chính sách; kinh nghiệm hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập; phát triển địa phương, cụm, vùng, quốc gia; giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tăng cường hợp tác công - tư...
Theo các chuyên gia, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần đặc biệt chú trọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương cần tiếp tục được siết chặt, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng.
Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.