Chiến lược không gian đóng vai trò quan trọng
Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn, là mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể quốc gia được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng đề ra.
Theo Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dự thảo Khung định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ trong Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định, Việt Nam sẽ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do các vùng kinh tế trọng điểm có quy mô quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
Chia sẻ tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và mô hình phát triển theo không gian - Hàm ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam diễn ra mới đây, TS. Shahid Yusuf, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chiến lược không gian có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
“Đặt quy hoạch phát triển không gian và đầu tư hạ tầng làm trọng tâm của chiến lược phát triển 10 năm và tiếp theo của Việt Nam là hướng tư duy đúng đắn”, ông Shahid nói và cho biết, tất cả các nền kinh tế thành công ở Đông Á đều nhận định, đầu tư cho hạ tầng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khác.
Xây dựng các vùng đại đô thị làm động lực
Theo TS. Shahid Yusuf, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chính của mọi quốc gia, song tăng trưởng luôn có tính chất địa phương và không đồng đều theo địa bàn. Trên toàn cầu, có 681 vùng đại đô thị là nơi sinh sống của 24% dân số thế giới, nhưng đóng góp đến 60% GDP. “Phân bổ dân số trong tương lai ở các thành phố có hiệu quả cao sẽ mang tính quyết định đến tăng trưởng”, ông Shahid nói.
Có chung nhận định, TS. Danny Leipziger, chuyên gia WB cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay là 37% và sẽ tăng lên trên 50% vào năm 2040. Việt Nam cũng đang có xu hướng giống mô hình hai đô thị chính của Hàn Quốc là Seoul và Busan, tương tự với Việt Nam là Hà Nội - Hải Phòng và TP.HCM.
Theo TS. Shahid, để đạt tốc độ tăng trưởng mong muốn, Việt Nam cần có 2-3 vùng đại đô thị hướng ngoại để làm động lực. Việt Nam có thể tập trung vào 4 thành phố cửa ngõ chiếm 2/3 GDP gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng.
Đồng thời, theo chuyên gia của WB, yếu tố biến đổi khí hậu cũng cần được tính đến trong phát triển không gian. Việt Nam có 1.900 dặm bờ biển có nguy cơ với mực nước biển dâng cao và tần suất bão ngày càng nhiều. Việc tập trung đầu tư cho đô thị có thể giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương của các đô thị, hải cảng trọng yếu ven biển.
Về hạ tầng, các chuyên gia của WB khuyến nghị, cần nâng cao chất lượng của hạ tầng đường sắt và đường bộ, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư duy tu, bảo dưỡng, thay vì đầu tư hành lang giao thông mới.
Cuối cùng, cần học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc là có 12 trong 18 bộ trực tiếp tham gia triển khai quy hoạch và đánh giá hằng năm về các kế hoạch phát triển. “Điều này cho thấy vai trò quan trọng của sự phối hợp, triển khai, theo dõi và điều chỉnh trong quá trình lập quy hoạch”, TS. Danny Leipziger lưu ý.