UBND tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức buổi đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024. Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và cập nhật kịp thời các chính sách mới.
Đồng thời, mong muốn UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp siêu nhỏ. Các cấp chính quyền tỉnh cần quyết liệt, thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực cho sự phát triển kinh tế. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách liên kết sản xuất, thực hiện dự án chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng nêu phản ánh, kiến nghị về việc mở đường, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng vào khu sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Châu Thành, thị xã Trảng Bàng…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị. |
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Cao Su và Nhựa Hong Bao (Khu công nghiệp Phước Đông); Công ty TNHH Công Nghiệp Hoàng Đạt, Công ty TNHH Dương Quán Việt Nam, Công ty TNHH Kovina Fashion, Công ty TNHH Tre Gia dụng xuất khẩu Long Tre, Công ty TNHH Oriental Multiple (Khu công nghiệp Trảng Bàng); Công ty TNHH Dragontex VN (Khu công nghiệp Thành Thành Công)… phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn.
Cụ thể như doanh nghiệp không có đơn hàng, giảm đơn hàng, ít đơn hàng dẫn đến việc cắt giảm lao động, lao động mất việc làm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn phải thay đổi mục tiêu dự án để thích nghi thị trường... Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh ghi nhận, chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp và cho biết, đây là tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay trong cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang gặp phải.
Trước mắt, Sở Công Thương tỉnh sẽ tham mưu các giải pháp đồng bộ, nhất là đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để có đơn hàng mới, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử để khắc phục một phần khó khăn của doanh nghiệp.
Đối với việc cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh gợi ý giải pháp cho doanh nghiệp vận dụng linh hoạt làm việc theo nhu cầu trong thời gian không có đơn hàng hoặc cho công nhân làm việc bán thời gian.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực đề ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng khó khăn nêu trên. Việc thay đổi mục tiêu hoạt động để tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu trong thời gian sớm nhất.
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực; tỉnh sẽ tiếp thu và từng bước rà soát và có giải pháp tháo gỡ; đồng thời chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.
Đối với các thủ tục triển khai dự án còn chậm theo phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho hay, các cấp cần thực hiện rất nhiều thủ tục tương thích và đồng bộ như: thủ tục về đất đai, về quy hoạch, xây dựng, môi trường… nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với thông tin các chính sách ưu đãi hiện nay của tỉnh đã được công khai đầy đủ trên rất nhiều kênh thông tin, nhất là cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận sớm và khai thác hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ cho rà soát lại các thủ tục để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi này.