Dầu ăn là một trong 2 ngành hàng chủ lực đem lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho KIDO. |
Còn dư địa cho ngành chủ lực?
Dầu ăn và kem là hai ngành hàng chủ lực mang về nguồn thu chính cho KIDO, cũng như tạo nên tên tuổi cho doanh nghiệp này.
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc KIDO cho biết, trong tổng doanh thu 10.497 tỷ đồng năm 2021, dầu ăn đóng góp đến 8.900 tỷ đồng (tương ứng với 85%), còn lại là ngành hàng kem.
Theo số liệu doanh nghiệp này công bố, tính đến nay, thị phần của họ trong ngành hàng dầu ăn đã tăng từ 30% lên 39% và rút ngắn được khoảng cách với doanh nghiệp đứng đầu là Cái Lân (Calofic) - nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức mới đây theo hình thức trực tuyến, một trong những câu hỏi của cổ đông mà Ban chủ toạ Đại hội chọn trả lời liên quan đến dư địa tăng trưởng ngành hàng dầu ăn, cũng như thách thức về giá nguyên liệu tăng vọt.
Về tiềm năng tăng trưởng, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc KIDO tự tin, Tập đoàn có đủ nguồn lực để vươn lên đứng đầu thị trường, thay vì vẫn ở vị trí thứ hai như bao năm qua.
Bà Liễu cho rằng, dầu ăn là sản phẩm thiết yếu và cơ hội vẫn rộng mở khi dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ dầu ăn bình quân của người Việt còn thấp. Cụ thể, theo khuyến cáo của WHO, mức tiêu thụ dầu ăn bình quân mỗi người hàng năm để đảm bảo sức khỏe là 13,5 kg. Ở Việt Nam, con số này mới chỉ đạt 11 kg, trong khi ở các nước khu vực châu Âu đã dao động khoảng 20 kg/người.
Còn theo một báo cáo của VNDirect, tăng trưởng doanh thu ngành dầu ăn nội địa sẽ dần bão hòa trong giai đoạn 2021 - 2026, với tốc độ tăng trưởng kép đạt 5,4%.
“Làm bất cứ ngành hàng nào, chúng tôi đều đặt tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu thị trường”, bà Liễu nói về dư địa tăng trưởng để thực hiện tham vọng vươn lên vị trí dẫn đầu.
Tuy nhiên, với đặc thù trong ngành hàng dầu, toàn bộ 100% dầu nguyên liệu đều phải nhập khẩu, kéo theo rủi ro bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung. Giá dầu cọ đã biến động mạnh từ tháng 1/2021 đến tháng 2/2022, với biên độ tăng khoảng 54%, từ 990 USD/tấn, lên 1.522 USD/tấn.
Chia sẻ về rủi ro giá nguyên vật liệu tăng, ông Bùi Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề đã xảy ra từ năm 2019, trước khi biến động mạnh trong năm vừa qua và không chỉ xảy ra trong ngành hàng dầu. Giải pháp của KIDO là tổ chức bộ phận nghiệp vụ phụ trách quản trị giá mua bán dựa trên phân tích và dự đoán để cân đối nguồn hàng đảm bảo sản xuất.
“Chúng tôi đang xem xét đến việc tiết kiệm chi phí và gia tăng sản lượng bán, cơ cấu thị trường để bù đắp một phần việc giá nguyên liệu tăng”, ông Tùng nói.
Còn với ngành hàng kem mang về khoảng 1.522 tỷ đồng doanh thu trong năm ngoái, bà Xuân Liễu cho biết, KIDO đang chiếm 43,5% toàn thị trường, trong đó hai dòng kem chủ lực là Merino chiếm 24,8%, còn Celano có 17,4%.
Trong năm vừa qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến sức tiêu thụ kem tại các khu vui chơi, giải trí, du lịch. Nhằm tiếp tục gia tăng khoảng cách thị phần với đối thủ, Ban lãnh đạo KIDO dự tính tập trung vào nhu cầu mua kem về nhà và xuất khẩu, cho ra mắt các sản phẩm ở phân khúc cao cấp.
Ngành hàng mới đang chạy đà
Ngành hàng snacking với dòng bánh tươi Kido’s Bakery đã trở lại thị trường, sau quãng thời gian dài KIDO không được phép tham gia vào thị trường bánh kẹo theo thỏa thuận với đối tác mua lại mảng bánh kẹo trước đây là Mondelēz. Đây cũng chính là ngành hàng mà lãnh đạo KIDO đang đặt nhiều kỳ vọng.
Theo ông Bùi Thanh Tùng, kế hoạch đẩy mạnh ngành hàng snacking đã được triển khai mạnh từ quý cuối năm ngoái và tiếp tục là chủ trương trong năm nay, đặc biệt với nhóm sản phẩm bánh tươi. Dù vậy, doanh thu đóng góp của ngành hàng snacking cho KIDO còn quá khiêm tốn, khi chỉ bằng 4,6% doanh thu ngành hàng kem. Song, nhìn ở một góc độ khác, doanh thu thấp nghĩa là còn cơ hội để gia tăng.
Trong phần trình bày của mình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bà Xuân Liễu đánh giá, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe và thận trọng hơn trong chi tiêu.
Với lợi thế của một doanh nghiệp từng dẫn đầu thị trường bánh kẹo, KIDO có kỹ thuật sản xuất bánh phù hợp khẩu vị người dùng và có thời hạn sử dụng ngắn mà không phải đơn vị nào cũng có thể thực hiện.
“Chúng tôi sẽ lặp lại lịch sử với sản phẩm bánh khi trở thành lựa chọn của học sinh mỗi sáng”, bà Liễu khẳng định.
Ngoài ngành hàng bánh, chuỗi F&B (nhà hàng và quầy uống) với thương hiệu Chuk Chuk của KIDO cũng đang được đặt trong tầm quan sát về đường hướng phát triển. Đây là chuỗi bán các loại trà sữa, cà phê, nước trái cây, ra đời vào nửa cuối năm ngoái. Đến nay KIDO đã có 30 cửa hàng.
Ở thị trường nội địa, KIDO công bố sẽ mở khoảng 100 cửa hàng trong năm nay, trước hết là các tỉnh phía Bắc. Song, chia sẻ trực tiếp tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc KIDO nhắc đến kế hoạch đầy tham vọng là có thể mở thêm 200-300 cửa hàng trong năm 2022 như một cách thức đẩy nhanh đến mục tiêu có 1.000 cửa hàng trong 5 năm tới.
Thêm vào đó, KIDO còn dự tính tham gia vào ngành hàng cà phê rang xay, thông qua hình thức đóng gói và đóng chai.