Tiêu dùng
The Body Shop liệu còn cơ hội tại Việt Nam?
Anh Hoa - 20/02/2024 08:53
Số phận của The Body Shop tại Việt Nam vẫn đang là dấu hỏi, sau khi chuỗi bán lẻ mỹ phẩm này vừa được đưa vào diện phá sản tại Anh, còn tại các quốc gia khác, chuỗi cũng đang được tái cấu trúc do khó khăn về tài chính.
Sản phẩm đa dạng, thiết kế cửa hàng bắt mắt... là điểm mạnh của chuỗi The Body Shop.

Nhiều kịch bản

Công ty Tư vấn kinh doanh FRP - đơn vị được chỉ định thực hiện thủ tục phá sản của The Body Shop tại Anh - cho biết, 199 cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động sau ngày 14/2/2024, thời điểm The Body Shop được đưa vào diện phá sản, nhưng việc này có thể dẫn đến nhiều kịch bản, như tái cơ cấu hoạt động bằng cách giảm số cửa hàng, nhân viên hoặc bán công ty.

“Các chuyên gia phụ trách pháp lý sẽ xem xét những phương án để tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp và cập nhật thông tin cho chủ nợ, nhân viên trong thời gian tới”, FRP thông tin.

Tại các quốc gia khác ngoài Anh, The Body Shop đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động. Quỹ đầu tư mạo hiểm Aurelius - chủ sở hữu The Body Shop - đã chỉ định một công ty phụ trách rao bán các công ty con ở hầu hết các nước châu Âu và một số khu vực ở châu Á. Mạng lưới được rao bán chiếm khoảng 14% doanh số thương hiệu.

Thành lập năm 1976 tại Brighton (Anh) bởi nhà hoạt động vì quyền động vật và nhân quyền Anita Roddick, The Body Shop là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm được mô tả là “có đạo đức”, tức không thử nghiệm trên động vật.

Vào thời điểm ra đời, nhiều thành phần mà thương hiệu này sử dụng như bơ, cacao, lô hội, dầu jojoba được xem là kỳ lạ. Các tuyên bố về trách nhiệm với động vật, môi trường và xã hội đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực mỹ phẩm và dần được nhiều thương hiệu khác làm theo.

The Body Shop phát triển theo cấp số nhân vào những năm 1980, mở 2 cửa hàng mỗi tháng và niêm yết cổ phiếu vào năm 1984. Tuy nhiên, chuỗi ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt từ những thương hiệu mới.

Năm 2006, The Body Shop được L’Oreal mua lại. Đến năm 2017, thương hiệu này được sang tay cho nhà sản xuất mỹ phẩm Brazil Natura &Co (Natura). Tháng 11/2023, Natura bán The Body Shop cho Aurelius Group.

The Body Shop đã trải qua một thời gian dài khó khăn về tài chính dưới thời các chủ sở hữu trước, trùng hợp với giai đoạn kinh doanh đầy thử thách của toàn ngành bán lẻ. Theo FRP, đây là thương hiệu bán lẻ lớn đầu tiên của Anh bị phá sản trong năm 2024.

Trước đó, vào năm 2023, chuỗi bán lẻ đồ gia dụng và nội thất giảm giá Wilko của Anh cũng đã phải đóng cửa, khiến hơn 9.000 nhân viên mất việc.

Như vậy, việc The Body Shop gặp khó khăn không phải trường hợp cá biệt, mà phản ánh những thách thức chung của ngành bán lẻ hiện nay.

The Body Shop tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2009, do Công ty TNHH TBS Việt Nam vận hành thông qua mô hình nhượng quyền. Công ty TBS Việt Nam có vốn điều lệ ban đầu 5,6 tỷ đồng, sau nâng lên hơn 16 tỷ đồng với 100% sở hữu nước ngoài. Tại Việt Nam, The Body Shop có 40 cửa hàng, chủ yếu nằm tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, số phận của chuỗi mỹ phẩm này tại Việt Nam chưa được định đoạt, vì phụ thuộc vào chiến lược tái cấu trúc, đàm phán mua bán công ty con từ công ty mẹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Hiện nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số và dự kiến lên đến 26% vào năm 2026. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên, qua đó giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm phát triển hơn.

Có thể nói, The Body Shop hoạt động rất tốt dưới quyền quản lý của Natura với hơn 3.000 chi nhánh nhượng quyền tại 66 quốc gia trên thế giới. Đây là một con số khổng lồ, ít có thương hiệu mỹ phẩm nào làm được.

Sở hữu bề dày kinh nghiệm  sản xuất các dòng sản phẩm đặc trị cho từng loại da, The Body Shop đã trở thành thương hiệu chăm sóc sắc đẹp không thể thiếu của nữ giới, thậm chí có cả nam giới trên toàn thế giới.

Những điểm mạnh của The Body Shop là hệ thống chi nhánh nhượng quyền cực kỳ rộng lớn tại nhiều quốc gia; sản phẩm đa dạng gồm 1.200 mặt hàng, luôn được cải tiến mẫu mã và chất lượng; thiết kế cửa hàng bắt mắt, ấn tượng; thương hiệu có giá trị cao và được nhìn nhận có trách nhiệm với xã hội bởi các hoạt động từ thiện; mạng lưới phân phối chặt chẽ, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

 

Những mối đe dọa

Nhiều khi, điểm mạnh lại trở thành điểm yếu của The Body Shop. Giới nhượng quyền cho rằng, thương hiệu thiếu sự kiểm soát và quản lý hiệu quả tại các cơ sở nhượng quyền trên toàn thế giới. Số lượng cửa hàng bán lẻ còn hạn chế, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Đặc biệt, từ khi được L’Oreal mua lại, The Body Shop bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, làm giảm sức mua và mức tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Cơ hội cho The Body Shop nằm ở sự gia tăng nhận thức về cái đẹp ở phụ nữ ngày càng được chú trọng. Việc sử dụng những sản phẩm thiên nhiên tăng cao tạo cơ hội lớn để thương hiệu này mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Thương mại điện tử lên ngôi, bán hàng trực tuyến trở thành xu thế tất yếu của mọi doanh nghiệp. Tận dụng thời thế này, The Body Shop đầu tư website bán hàng, kết hợp các sàn thương mại điện tử để nâng cao doanh số. Ngoài website chính thức, The Body Shop còn xuất hiện dày đặc trên Facebook, Twitter với mục đích tương tác nhiều hơn với khách hàng, cập nhật nhanh những thông tin về chương trình khuyến mãi, sản phẩm mới…, từ đó thúc đẩy, nâng cao doanh thu bán hàng.

Nhưng, như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân khiến The Body Shop đi đến phá sản tại Anh là do cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu mỹ phẩm lớn như Estee Lauder, Sephora, Shiseido, Revlon… Ngoài ra, nhiều thương hiệu chú trọng tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng cũng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho The Body Shop.

Thực tế, giá sản phẩm The Body Shop khá cao so với các đối thủ cạnh tranh. Bù lại, The Body Shop chú trọng sản xuất sản phẩm có dung tích lớn, chất lượng đảm bảo, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu.

Lợi thế của The Body Shop là nguồn nguyên liệu chất lượng cao. The Body Shop đã thực hiện Chương trình Thương mại cộng đồng từ năm 1987; tìm kiếm và hợp tác với những người nông dân, đối tác tại nông thôn, tạo cơ hội kinh doanh tốt, thu nhập lâu dài và ổn định cho họ. Bằng cách thức triển khai này, The Body Shop sở hữu nguồn nguyên liệu sạch tự nhiên, sử dụng để tạo ra các sản phẩm như hoa cúc, dầu bạc hà xuất xứ từ nước Anh, dầu oliu từ Italia, dầu đậu nành từ Brazil… Hiện tại, The Body Shop hợp tác với gần 30 nhà cung cấp với hơn 20.000 nông dân trên toàn thế giới.

Thị trường làm đẹp vô cùng tiềm năng, nhưng đi cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt, khiến việc thu hút khách trở nên khó khăn. Kết quả là, theo thời gian, chỉ những thương hiệu hàng đầu có tiềm lực kinh tế vững mạnh mới có thể tồn tại; còn tất cả những thương hiệu khác đều có nguy cơ bị mua lại.

Tin liên quan
Tin khác