Thời sự
Thế giới hoài nghi với tuyên bố Mỹ - Trung gỡ thuế
Lê Quân - 09/11/2019 10:15
Việc Trung Quốc thông báo Bắc Kinh và Washington đã nhất trí gỡ bỏ thuế quan theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” đang vấp phải những hoài nghi liệu Nhà Trắng có đồng tình và mức thuế được gỡ bỏ là bao nhiêu.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. Ảnh: AFP

Sau tuyên bố mới đây của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, người ta kỳ vọng thương chiến Mỹ - Trung sẽ đi đến hồi kết. “Nếu thỏa thuận ‘giai đoạn 1’ được ký kết, Trung Quốc và Mỹ sẽ gỡ bỏ tương ứng mức thuế quan theo thỏa thuận”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết tại cuộc họp báo tuần này ở Bắc Kinh.

“Đây cũng là những gì hai bên nhất trí trong quá trình đám phán 2 tuần qua”, ông Cao Phong nói thêm.

Tuy nhiên, lại xuất hiện luồng thông tin hoài nghi liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có chắc chắn cam kết gỡ thuế không. Một quan chức Mỹ cho biết 2 bên có kế hoạch gỡ bỏ thuế quan theo cam kết trong thỏa thuận “giai đoạn 1” và mức thuế được gỡ bỏ đang được xem xét. Trong khi các quan chức khác không cho rằng kế hoạch xóa bỏ thuế quan đã được chính quyền Mỹ chấp thuận.

“Đến thời điểm này vẫn chưa chấp thuận đưa nội dung gỡ bỏ thuế quan vào thỏa thuận giai đoạn 1”, Peter Navarro, cố vấn thương mại cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời trên kênh truyền hình Fox Business Network. “Người duy nhất có thể quyết định được chuyện này là Tổng thống Trump”, vị cố vấn nói thêm.

Còn Michael Pillsbury, cố vấn cho chính quyền Trump đồng thời là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hudson, lại cho rằng tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ phản ánh kỳ vọng từ phía Trung Quốc, chứ chưa có sự nhất trí cụ thể.

Bình luận về động thái trên, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon quả quyết rằng Trung Quốc bắt đầu gia tăng “hành động gây ảnh hưởng một cách tinh vi” để đưa nội dung gỡ bỏ thuế quan vào thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Thế nhưng việc nhượng bộ trước Trung Quốc trở thành áp lực lớn đối với chính quyền Mỹ bởi ông Trump đang “bận” đối phó cuộc luận tội của quốc hội và cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Đã có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Mỹ đã đẩy thuế quan đánh lên hàng Trung Quốc sang cho người tiêu dùng hứng chịu và điều này đang là trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Số liệu mới nhất cho thấy, các nhà nhập khẩu Mỹ đã chi 7 tỷ USD cho thuế quan trong tháng 9. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3/2019 đạt dưới mức 2%. Nhìn lại 2 năm trước là 2017 và 2018, mức tăng trưởng này đều quanh mức 3%. Thêm yếu tố đang ngại nữa là dù tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, nhưng tăng trưởng việc làm khu vực sản xuất của Mỹ vẫn chững lại.

Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Trưởng bộ phận quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ hoan nghênh việc gỡ bỏ thuế quan. “Chúng ta sẽ bãi bỏ những thuế quan gây hại cho kinh tế Mỹ, tác động xấu tới nhà sản xuất, nông dân, người tiêu dùng và nhà bán lẻ”. Đổi lại, Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc phải có cam kết cụ thể đối với nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nhập khẩu, dịch vụ tài chính và thị trường tài chính; đồng thời nhượng bộ thêm ở các lĩnh vực khác.

Qua 4 đợt đánh thuế, đến nay Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 360 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cắt giảm hay bãi bỏ toàn bộ thuế quan này.

Ông Brilliant cho rằng, nhiều khả năng Mỹ sẽ gỡ bỏ thuế suất 15% lên 111 tỷ USD hàng Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1/9 và đồng ý ngừng tăng thuế lên các mặt hàng chủ chốt của Trung Quốc như hàng tiêu dùng và đồ điện tử theo kế hoạch vào ngày 15/12.

Bắc Kinh đang gây sức ép buộc Mỹ ngừng toàn bộ thuế quan lên hàng Trung Quốc, trong khi Washington chỉ đề cập nội dung gỡ bỏ thuế quan là 1 phần trong cơ chế tuân thủ giữa 2 bên, Theo cơ chế này, thuế quan sẽ dần “biến mất” chỉ khi Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận.

Hiện chưa rõ các quan chức Trung Quốc nghĩ sao về cơ chế tuân thủ trên. Lâu nay các quan chức Trung Quốc thường kín tiếng về tiến trình thương thảo giữa 2 bên. Tuy nhiên, các quan chức nước này ngày 7/11 đã đánh giá việc loại bỏ thuế quan là kết quả đáng kể trong quá trình thương thảo giữa 2 bên. Đánh giá này cho thấy Trung Quốc tự tin thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận “giai đoạn 1”.

“Phía Trung Quốc cho rằng ông Trump cần thỏa thuận hơn Trung Quốc và Trung Quốc đang cố gắng làm điều lâu nay họ vẫn làm là tăng cường lợi thế”, William Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) bình luận.

“Họ (Trung Quốc) sốt ruột để thúc đẩy xóa bỏ thuế quan hơn bao giờ hết và đang đẩy mạnh việc này”, Reinsch nói thêm.

Mỹ và Trung Quốc “sa lầy” trong chiến tranh thương mại hơn 1 năm qua. Mỗi khi Tổng thống Trump giáng thêm thuế quan lên hàng Trung Quốc thì Trung Quốc luôn có đòn “phản pháo” đáp trả. Tháng trước, chính quyền Mỹ đã hủy kế hoạch tăng thuế lên hàng Trung Quốc, nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa rút bớt thuế quan.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, trưởng đoàn đám phán thương mại của Mỹ đã thúc ép Bắc Kinh đồng ý để Mỹ mở các văn phòng pháp lý và đưa nội dung này vào thỏa thuận thương mại.

Thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được hy vọng sẽ ngăn ông Trump kích hoạt thuế quan mới lên hàng Trung Quốc vào ngày 15/12 theo kế hoạch.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tái khẳng định quan điểm nhất quán của Trung Quốc rằng Mỹ là bên châm ngòi tranh chấp nên phải có trách nhiệm tháo ngòi. “Thương chiến khởi sự từ thuế quan thì cũng nên kết thúc bằng việc xóa bỏ thuế quan”, vị này nói thêm.

Nick Marro, chuyên gia phân tích thương mại tại công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit đánh giá, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc có thể phản ánh niềm tin của Trung Quốc về việc ông Trump muốn đạt thỏa thuận thương mại đã tăng lên. “Trung Quốc có thể bắt thóp được điều này và bắt đầu chơi tất tay vì họ biết ít nhất về mặt chính trị họ đang ở cửa trên”, Marro bình luận.

Tại Bắc Kinh, giới theo dõi thương chiến Mỹ - Trung cho rằng các nhà đàm phán Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Mỹ, kể cả yêu cầu Trung Quốc chi 50 tỷ USD mua nông sản Mỹ trong 2 năm.

Phát biểu tại hội nghị tổ chức ở Bắc Kinh tuần trước, một số diễn giả Trung Quốc, gồm các cựu quan chức chính phủ cho rằng dù hai bên có thể đạt thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn thì mâu thuẫn Mỹ - Trung trên các mặt trận khác vẫn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa.

Ông Liu Shijin, Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc - một tổ chức do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc Vụ viện Trung Quốc (DRC) thành lập - nhận định, các mâu thuẫn hai bên không đơn thuần về thương mại và rất nhiều bất đồng khác vẫn chưa được khơi mào.

Tin liên quan
Tin khác