Tài chính - Chứng khoán
Thế khó của Đạm Hà Bắc khi bán cổ phiếu HPH
Kỳ Thành - 12/02/2022 14:00
Ngoài mức giá khởi điểm cao so với thị giá cổ phiếu HPH, thương vụ thoái sạch vốn của Đạm Hà Bắc còn gặp khó bởi sự phụ thuộc nguyên liệu giữa 2 doanh nghiệp “mẹ - con” này.

Giá chào bán cách xa thị giá và giá trị sổ sách

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 24/2 tới sẽ diễn ra phiên chào bán đấu giá hơn 5,4 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hóa chất Hưng Phát Hà Bắc (mã HPH - UPCoM) do Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã DHB - UPCoM) sở hữu. Số cổ phiếu chào bán tương đương 64,56% vốn điều lệ của Hưng Phát Hà Bắc và cũng là toàn bộ số cổ phiếu HPH mà Đạm Hà Bắc đang nắm giữ.

Theo phương án đưa ra, giá chào bán không thấp hơn 14.000 đồng/cổ phiếu, căn cứ Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá ngày 20/10/2021 do Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam ban hành. Số tiền thu được nhằm cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của Đạm Hà Bắc.

Đáng chú ý, chốt phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu HPH đóng cửa ở giá 10.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 28% giá trị mà Đạm Hà Bắc đưa ra mức giá khởi điểm.

Theo đánh giá của Đạm Hà Bắc, bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn của bối cảnh thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPH có tính thanh khoản thấp, vì vậy rủi ro của đợt chào bán này có thể là không bán hết cổ phiếu. Tuy nhiên, với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Hưng Phát Hà Bắc và “mức giá khởi điểm hợp lý”, Đạm Hà Bắc tin tưởng vào khả năng thành công của đợt chào bán.

Nhận định trên của Đạm Hà Bắc dường như chưa sát với thực tế. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 mà Hưng Phát Hà Bắc tự lập, doanh thu thuần của Công ty đạt 46,6 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận gộp đạt 4,3 tỷ đồng, giảm 58%. Mặc dù các chi phí đều được giảm so với cùng kỳ, nhưng Hưng Phát Hà Bắc ghi nhận lỗ sau 3 quý đầu năm là 637 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 3,1 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 135 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giá trị tài sản cố định là 98 tỷ đồng, chiếm 73%.

Về nguồn vốn, Công ty ghi nhận giá trị nợ phải trả thời điểm cuối quý III/2021 là 36 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn 28 tỷ đồng. Tính toán cho thấy, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu HPH là xấp xỉ 11.800 đồng, cũng thấp hơn mức giá mà Đạm Hà Bắc chào bán.


Rủi ro từ sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu

Được biết, Hưng Phát Hà Bắc là một trong những đơn vị đầu tiên trong nước sản xuất Hydrogen Proxide (ô-xy già) - hóa chất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất giấy, dệt, điện tử, xử lý môi trường... Bên cạnh đó, Công ty cũng kinh doanh thương mại các sản phẩm phân bón, hóa chất khác như urea, kali, NPK.

Với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của Hưng Phát Hà Bắc và “mức giá khởi điểm hợp lý”, Đạm Hà Bắc tin tưởng vào khả năng thành công của đợt chào bán.

Hưng Phát Hà Bắc hiện có 3 cổ đông lớn là Đạm Hà Bắc (64,56%), Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (6,67%) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (11,9%). 825 cổ đông cá nhân đang nắm giữ 15,44% lượng cổ phiếu HPH còn lại.

Trước đây, phần lớn nhu cầu về ô-xy già trong nước được nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan… Do đó, Hưng Phát Hà Bắc phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu trong nước và các nhà sản xuất nước ngoài. Song theo phía Công ty, sản phẩm ô-xy già của họ có nhiều ưu thế hơn sản phẩm nhập khẩu về chi phí vận chuyển, tiến độ cung cấp và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất bột giấy, dệt nhuộm, điện tử, thủ công mỹ nghệ…

Song vấn đề lớn nhất cho những nhà đầu tư dự định mua lại phần vốn được đem ra đấu giá ngày 24/2 tới, đó là sự phụ thuộc rất lớn của Hưng Phát Hà Bắc đối với Đạm Hà Bắc. Được biết, nguyên liệu chính để sản xuất ô-xy già của Hưng Phát Hà Bắc là khí thải hydro từ quá trình tổng hợp Amoniac của Đạm Hà Bắc. Khi Đạm Hà Bắc xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất, thì dây chuyền sản xuất ô-xy già của Hưng Phát Hà Bắc sẽ phải ngừng hoạt động do không có nguồn khí thải hydro cung cấp cho sản xuất.

Mặc dù thời gian qua, Hưng Phát Hà Bắc cho biết đã tăng cường nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp hợp lý để hạn chế rủi ro từ nguồn cung cấp nguyên vật liệu nói trên, nhưng đây sẽ là rủi ro rất lớn đối với Công ty khi rời khỏi “vòng tay” của Đạm Hà Bắc.

Tin liên quan
Tin khác