Trong đó có 4 lĩnh vực tuyển sinh đợt 1 đạt kết quả rất thấp so với chỉ tiêu như Nông lâm nghiệp và Thủy sản; Khoa học Sự sống; Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Đây cũng từng là lĩnh vực tuyển sinh gặp nhiều khó khăn trong các năm 2020 và 2021.
Ảnh minh họa. |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn lý giải, do công tác truyền thông tới thí sinh chưa tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ đặc tính, đặc điểm của các ngành nghề kể trên và cơ hội nghề nghiệp ra sao, nên thí sinh chưa chọn.
Để khắc phục thực tế nêu trên Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh các trường đại học cần phải quan tâm xem những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn.
Bên cạnh đó, khảo sát để có số liệu xây dựng chính sách trong việc mở chương trình đào tạo trong tuyển sinh, đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như hướng nghiệp giữa các trường đại học, trường THPT để thí sinh hiểu rõ những ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Ngoài ra, để những ngành học này duy trì được cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho những ngành như ngành khoa học cơ bản, toán học và những ngành kỹ thuật công nghệ để giảm bớt những khó khăn cho sinh viên khi các em vào trường.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất những giải pháp trong đề án này để có những giải pháp chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tăng sự thu hút của ngành nghề với học sinh.
Đồng thời, tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt hỗ trợ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực này.
Cũng về tuyển sinh đại học, ngày 6/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, Bộ tiếp tục quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Các ngành đào tạo khác do cơ sở đào tạo quy định.
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các nhóm ngành được tính theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho đối tượng thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả tổ hợp gồm 3 bài thi, môn thi.
Theo kế hoạch dự kiến, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào ngày 20/7/2023.
Vì vậy, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào hai nhóm ngành này cần lưu ý để bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của hai nhóm ngành này vào ngày 29/7. Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19,0 điểm.
Riêng đối với ngành giáo dục thể chất, ngành sư phạm âm nhạc và ngành sư phạm mỹ thuật là 18,0 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa; các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Còn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2022 là từ 19,0 đến 22,0 điểm, tùy từng ngành.
Theo quy định của Bộ, năm 2023, tất cả thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cho hay, năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, áp dụng quy chế tuyển sinh 2022.
Cùng với việc áp dụng chính sách điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 và cơ sở đào tạo cần ban hành quy chế tuyển sinh riêng, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh thêm một số lưu ý, điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Theo đó, các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển.
Đặc biệt, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Bộ yêu cầu các trường phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.
Được biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 có 18 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ cao nhất là 47,98%, tiếp đến là xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) chiếm 37,18%.
Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39%. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu của tuyển sinh sư phạm trình độ đại học và cao đẳng giáo dục mầm non đạt hơn 80%, với tổng số thí sinh nhập học là 38.915.
Tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ chiếm đa số, lần lượt là 47,98% và 37,18%.
Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; một số khó khăn trong truy nhập hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Những hạn chế trong xét tuyển sớm, các cơ sở, lĩnh vực tuyển kém và nguyên nhân cũng được nghiêm túc nhìn nhận.