Ông có thể cho biết những điểm sáng lớn nhất trong 9 tháng đầu năm của Halotel (Viettel Tanzania) là gì?
2023 là một năm có nhiều khó khăn lớn với Halotel, cũng có thể nói chúng tôi là công ty gặp nhiều khó khăn nhất trong số các thị trường của Viettel Global.
Tuy nhiên, tôi đánh giá, chúng tôi vẫn có 3 điểm sáng trong năm 2023.
Thứ nhất, Halotel giữ được sự ổn định, đoàn kết để vận hành sản xuất kinh doanh. Thứ hai, chúng tôi làm tốt hơn công tác đối ngoại với các cơ quan ban ngành của nước sở tại. Thứ ba, chúng tôi đã từng bước tìm ra hướng đi phù hợp, khai thác được các tập khách hàng ngách một cách hiệu quả, để ứng phó với các khó khăn.
Năm 2022, Halotel có được hiệu quả tăng mạnh nhờ đưa nhóm khách hàng giàu (sử dụng 4G) từ 5% lên 19%. Tỷ lệ của nhóm khách hàng này thay đổi ra sao trong năm 2023?
Tỷ lệ dùng 4G của Halotel đang đạt 23,5%. Chúng tôi xác định về mặt xu thế thị trường, khách hàng sẽ phải tiến lên: từ 2G, 3G lên 4G. Để đạt được hiệu quả, chúng tôi cần tác động để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn.
Halotel đã có những biện pháp gì để tiếp tục tăng tỷ lệ khách hàng dùng 4G khi mà năm trước tỷ lệ này đã tăng đột biến?
Mặc dù nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn phải xác định đầu tư bổ sung hạ tầng, mở rộng thêm vùng phủ, phát sóng thêm gần 500 trạm 4G, 100 trạm 3G. Về chính sách, chúng tôi cũng tập trung cho 4G, trong đó có việc đổi sim từ 3G lên 4G, tìm kiếm khách hàng trong phân khúc thấp hơn của Halotel. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng lực lượng bán hàng chuyên biệt cho khách hàng APRU cao (sử dụng 4G) bán hàng tại thủ phủ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, động lực tăng trưởng lớn nhất của Halotel tới từ ví điện tử. Vì sao Halotel có thể xoay chuyển nhanh như vậy?
Ngay từ 2 năm trước, chúng tôi xác định chiến lược tăng trưởng cho ví điện tử, đặc biệt là khi có các biến động từ chính sách, từ thị trường và thấy dư địa tăng trưởng của thị trường này vẫn còn rất lớn.
Chiến lược dịch chuyển sang ví điện tử, chuyển dịch số cũng được định hướng từ công ty mẹ Viettel Global và Tập đoàn Viettel.
Chúng tôi tập trung nguồn lực từ con người, chính sách, kênh phân phối lẫn truyền thông cho ví điện tử. Đến thời điểm hiện tại, ví điện tử đang đạt kết quả tốt, với tăng trưởng dự kiến cho năm nay là 40-45%.
- Để tăng cường hiệu quả kinh doanh, Halotel đã và đang phát triển mạnh nhóm khách hàng ARPU cao (sử dụng 4G). Ngoài ra, Halotel có biện pháp gì khác để cải thiện hơn nữa hiệu quả kinh doanh?
Chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Đầu tiên, giống như một đội bóng, tiền đạo vẫn phải ghi bàn, thậm chí ghi nhiều bàn. Đó là gia tăng hoạt động cung cấp dịch vụ, gia tăng thuê bao, doanh thu….
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn, Halotel càng phải tăng được thuê bao ARPU cao. Ở Tanzania, thuê bao 4G có ARPU cao gấp 3.5 lần thuê bao 2G và 2 lần thuê bao 3G. Hiển nhiên, chúng tôi phải tập trung vào 4G.
Triển khai hàng loạt giải pháp kiểm soát và tiết kiệm chi phí. Tanzania là thị trường có chính sách thuế, phí cao, các chi phí hoạt động cũng rất lớn lớn, chẳng hạn như chi phí tài chính, chi phí thuê vận hành khai thác,… Nếu không quản lý tốt, không tiết kiệm chí phí sẽ giống như trong bóng đá: mải tấn công, quên phòng ngự sẽ bị thủng lưới nhiều hơn là ghi bàn.
Chú trọng công tác đối ngoại để thực hiện vận động các chính sách, phòng thủ từ xa. Halotel chủ động đóng góp, xây dựng, chính sách với cơ quan quản ký, cơ quan thuế, chính quyền nước sở tại. Đây là một công việc rất quan trọng khi kinh doanh ở Tanzania.
Tìm kiếm các nguồn vốn, nguồn đầu tư, nguồn tài trợ phục vụ mở rộng cơ sở hạ tầng, mạng lưới.
- Bước qua năm kinh doanh thứ 8 tại Tanzania, khó khăn lớn nhất mà Halotel đang gặp phải là gì?
Khó khăn nhất là chính sách áp giá sàn cho data 0.9$/Gb. Mức sống của người dân còn thấp và chỉ khoảng 30% điện thoại di động ở Tanzania có thể sử dụng 3G hoặc 4G. Để phổ cập nhanh smartphone, giá data cần càng rẻ càng tốt, nhưng giá lại không thể giảm được vì quy định. Halotel có lợi thế về kiểm soát chi phí tốt, có thể bán giá rẻ hơn để thu hút khách hàng nhưng lại không được làm.
Tiếp đến là tăng trưởng kinh tế nước sở tại không đạt được như kỳ vọng do ảnh hưởng từ hậu Covid-19, chính sách thu hút đầu tư, xuất khẩu…. Vì thế, thị trường thiếu hụt USD, khiến chúng tôi gặp khó trong việc giao dịch ngoại tệ, gây chậm trễ thanh toán các đơn hàng, đàm phán đối tác, tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, xăng dầu rồi điện cũng lâm vào tình cảnh thiếu hụt, dẫn tới giá tăng mạnh (15% năm 2023).
Trong số các thị trường nước ngoài của Viettel, Tanzania có lẽ là nơi gặp nhiều khó khăn nhất, với những trở ngại mới cứ xuất hiện liên tiếp. Ông và những đồng nghiệp Viettel của mình đối mặt với điều đó như thế nào?
Chúng tôi nghĩ đơn giản thôi, thị trường nào cũng có những khó khăn riêng của mình, chỉ có mức độ và tính chất khác nhau. Nhìn từ góc độ tích cực, chính những khó khăn đó lại giúp chúng ta trui rèn bản lĩnh và ý chí.
Riêng với Halotel, chúng tôi được trui rèn ở một môi trường khó khăn toàn diện và thường xuyên, liên tục nên cũng khá đặc biệt (cười). Bối cảnh đó đã tạo nên một văn hóa đặc trưng cho những người Viettel ở Halotel là không sợ khó khăn và chủ động đón nhận các khó khăn, không hoang mang, bình tĩnh để tìm cách vượt qua nó. Đấy là điều tôi đúc kết lại sau gần 5 năm ở đây và không hề dễ dàng chút nào.
Điều gì đã giúp anh và những người Viettel ở Halotel bình tĩnh đón nhận thách thức để tìm cách vượt qua nó trong một môi trường khó khăn toàn diện?
Tôi vào Viettel từ năm 2004, cũng gần 20 năm rồi. Nhiều người Viettel nói chung và tôi nói riêng đã thực sự ngấm văn hóa Viettel. Đó là sự khác biệt khi được tôi luyện trong môi trường quân đội, được rèn luyện, được va vấp tại thị trường nước ngoài, cũng như được chỉ bảo và học hỏi rất nhiều từ các lãnh đạo của mình. Cứ thế chúng tôi trưởng thành qua năm tháng.
Có thể hình dung về một cái cây ấy. Cùng 1 cái cây đấy nếu mọc ở khu vực núi đá, vách đá cheo leo hay trên sa mạc khô cằn thì nó phải có một tâm thế khác, sức sống khác đúng không? Còn nếu cái cây đấy mọc lên ở đồng bằng đất đai phì nhiêu, màu mỡ thì nó lại có một tâm thế khác, sức sống khác.
Tôi nghĩ là những người ở Halotel cũng được rèn luyện rất nhiều về bản lĩnh, ý chí bền bỉ khi phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá khứ, hiện tại.
Ở đây, chúng tôi sẽ luôn phải giải quyết các bài toán khó nhưng vẫn kiên trì từng bước, để tìm ra cách làm. Phương châm của chúng tôi là ngày hôm nay thì tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai thì tốt hơn là hơn ngày hôm nay.
Điều thứ hai là Halotel được đi từ cái nôi của Tập đoàn Viettel, cho nên ngoài ý chí chúng tôi còn có thêm niềm tin.
Một điều quan trọng nữa, chúng tôi luôn nghĩ rằng khó khăn có thể nhiều và kéo dài nhưng nhưng có ý chí và niềm tin, chúng tôi sẽ vượt qua.