Đầu tư
Thủ tướng Chính phủ: Không để thiếu năng lượng cho phát triển
Thanh Hương - 11/01/2023 08:40
"Đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển, quyết tâm khởi công được các dự án trọng điểm, nghiên cứu đề xuất các dự án mới tận dụng thế mạnh sẵn có" là yêu cầu của Thủ tướng với Petrovietnam.

Dự Hội nghị tổng kết tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao phương châm 2023 của Tập đoàn là "quản trị biến động, mở rộng quy mô, tăng tốc chuyển đổi số, dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất, tái tạo kinh doanh", đồng thời đề nghị Tập đoàn, toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chủ yếu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và ghi nhận những thành tích, đóng góp của Petrovietnam năm 2022 đối với những thành tựu, kết quả chung của cả nước. Ảnh Petrotimes

Theo đó, không để thiếu năng lượng cho phát triển, vận hành an toàn, ổn định với công suất cao và có hiệu quả các dự án, nhà máy, công trình dầu khí, góp phần chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu xăng dầu, điện, phân bón cho đất nước.

Mục tiêu thứ hai là hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023, phấn đấu bằng hoặc vượt mức kết quả đạt được trong năm 2022.

Mục tiêu thứ ba là phải đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển trong toàn Tập đoàn và phải đặt mục tiêu trong năm 2023 là quyết tâm khởi công được các dự án trọng điểm, nghiên cứu đề xuất các dự án mới tận dụng thế mạnh của Tập đoàn.

Thứ tư, bổ sung, hoàn thiện xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành Dầu khí phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; nghiên cứu các dự án năng lượng mới, điện gió ngoài khơi…

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong thực hiện phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí, kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo – đây là lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn, là xu thế của thế giới và Tập đoàn cũng có nhiều điều kiện, nền tảng để thực hiện.

Về các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước theo chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương xử lý các kiến nghị; báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xác định hỗ trợ Petrovietnam trong thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu năm 2023, không chỉ của Petrovietnam mà là của cả nước để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. 

"Chính phủ, các cơ quan luôn bên cạnh các đồng chí, chia sẻ những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, khích lệ, động viên những việc đã làm được, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo của Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho hay, năm 2022 vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến các lĩnh vực hoạt động, song với truyền thống, bản lĩnh, quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp; đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện.

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng thay mặt lãnh đạo Petrovietnam trình bày báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022. Ảnh Petrotimes

Tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển.

Giá trị thương hiệu Petrovietnam năm 2022 đạt gần 1,3 tỷ USD- duy trì vị trí thương hiệu giá trị cao nhất Việt Nam.

Trong đó, sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày, năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. 

Riêng khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn (vượt 28%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. 

Đây là kỷ lục thời gian hoàn thành kế hoạch sớm nhất, là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh suy giảm sản lượng của hầu hết các lô/mỏ hiện nay.

Nhờ đó, Tập đoàn đã thực hiện mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam không được phép để thiếu năng lượng, nhất là xăng, dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, song dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn.

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 677.700 tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), lợi nhuận hợp nhất 34.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78.300 tỷ đồng

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể các nhóm giải pháp trọng tâm về cơ chế, chính sách, quản trị và quản lý doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển đội ngũ.

Thủ tướng nhấn mạnh một số kỷ lục mà Tập đoàn đạt được trong năm 2022. Đó là kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô đạt 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; kỷ lục về sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch), xuất khẩu 606.000 tấn với giá trị cao, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón 1,08 tỷ USD, đưa nước ta từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu phân bón với giá trị cao; kỷ lục về sản xuất xăng dầu, bao gồm cả lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Tập đoàn cũng đạt kỷ lục về tổng doanh thu trong 61 năm qua với 931.200 tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD, khẳng định vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu có quy mô, sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của đất nước.
Kỷ lục về lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD); kỷ lục về nộp ngân sách Nhà nước với 170.600 tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD), chiếm tỉ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.
Một kỷ lục khác là Tập đoàn có 3 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ; 7 công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC. Giá trị thương hiệu tăng lên, niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân với Tập đoàn được củng cố và tăng cường.
Ngoài ra, trong năm 2022, Tập đoàn đã rất quyết liệt xử lý có hiệu quả các dự án, công trình tồn đọng, như việc xử lý, đưa vào vận hành các dự án điện (Sông Hậu 1, Thái Bình 2); xử lý các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án nhiệt điện Long Phú 1, Chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn; Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tin liên quan
Tin khác