Thời sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất 5 trọng tâm hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Thanh Huyền - 31/03/2018 13:04
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP)

Sáng 31/3, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 chính thức khai mạc.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là dịp để các quốc gia thành viên cùng kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của GMS - cơ chế hợp tác đầu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mekong.

Theo Thủ tướng, trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh".

Từng là khu vực của những quốc gia nghèo khó, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển.

“Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, vì người dân”, Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả hợp tác đạt được kể từ GMS-5 (Ảnh: K.T)

Thủ tướng đánh giá, GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia đồng thời liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng về sức mạnh của cả khu vực GMS trong tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều cả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 5 nội dung hợp tác trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Thứ nhất, phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài.

Thứ hai, thúc đẩy "kết nối tương hỗ" về thương mại - đầu tư. Các quốc gia trong khu vực GMS khá tương đồng về nhiều mặt hàng, sản phẩm, nhất là nông lâm thủy sản, đây là cơ sở để kết nối tốt hơn giữa các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh để giảm sự cạnh tranh lẫn nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực GMS.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0; trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong khu vực GMS; phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để khu vực GMS có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư, xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Điều này rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng nhau hành động hiệu quả hơn.

Thứ năm, GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Hơn thế, sự phối hợp giữa GMS với các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác (Hợp tác Mekong Lan Thương MLC, Ủy hội Mekong quốc tế MRC, Sáng kiến Hạ nguồn Mekong LMI,…), và với ASEAN, Liên hợp quốc,.. sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tối ưu nguồn lực phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những thành tựu mà GMS đã đạt được bên dòng Mekong trong 25 năm qua, với quyết tâm của các Chính phủ và sự đồng lòng người dân, cùng sự đồng hành của ADB, WB và các đối tác phát triển, nhất là sự tham gia chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, “GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân chúng ta”.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên GMS đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung Đầu tư khu vực tới năm 2022 với tổng mức hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác