Đầu tư Phát triển bền vững
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các trường đại học và doanh nghiệp
Thanh Huyền - 27/07/2022 17:50
Ngày 26/7, tại Học viện Chính sách và Phát triển đã diễn ra Tọa đàm Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các trường đại học và doanh nghiệp.
Sự kiện nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, lối sống không rác thải trong các trường đại học và doanh nghiệp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Theo PGS-TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ để phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường, xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách pháp luật để vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Gần đây nhất, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước, tất cả các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân đều có nhiệm vụ, vai trò riêng của mình trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn của đất nước. “Học viện Chính sách và Phát triển là đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đương nhiên không nằm ngoài nhiệm vụ đó”, ông Nguyên nhấn mạnh và cho biết, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế đất nước là trách nhiệm của Học viện.

Giới thiệu về cơ sở khoa học và chính sách, quy định về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết, kinh tế tuần hoàn đã được đề cập trong nhiều văn bản định hướng, chính sách và pháp luật của Việt Nam.

Theo Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Cũng theo quy định của luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Học viện Chính sách và Phát triển và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các trường đại học và doanh nghiệp.

Theo TS. Vũ Thị Minh Luận, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Chính sách phát triển, các đơn vị khoa học đào tạo, tổ chức hỗ trợ cũng cần tham gia vào quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đối với cấp học phổ thông, việc giáo dục, phổ biến nâng cao nhận thức kiến thức về bảo vệ môi trường, 3R có thể thông qua tài liệu, nội dung lồng ghép và thực hành. Trong khi đó, tại các trường Đại học, việc giáo dục nâng cao nhận thức có thể thực hiện qua các cuộc thi, dự án khởi nghiệp

Từ thực tiễn tại Khoa Quản trị kinh doanh, TS. Vũ Thị Minh Luận đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua hoạt đông hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp có tính đổi mới sáng tạo như GreenHub, Zhub… Bên cạnh đó, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp xanh, marketing xanh, giải pháp xanh cho doanh nghiệp, kết nối sinh viên với các doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp có EPR tốt. Từ đó, người học hình thành được tư duy sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, hướng tới khởi nghiệp xanh, thực thi xanh…

Nhân dịp này, Học viện Chính sách và Phát triển và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các trường đại học và doanh nghiệp. 

Tin liên quan
Tin khác