Năm 2024, VNPT sẽ triển khai dịch vụ 5G như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông |
Chi hàng ngàn tỷ đồng “mua” tần số
Trong tháng 3/2024, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đưa băng tần điện thoại ra đấu giá (trước đó, băng tần di động được Nhà nước “cấp phát” cho các nhà mạng sử dụng). Theo đó, có 3 khối băng tần được đấu giá gồm băng tần B1 (2500-2600 MHz), C2 (3700-3800 MHz) và C3 (3800-3900 MHz).
Hai trong số 3 khối băng tần trên đã được đấu giá thành công và mang lại khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, ngày 19/3/2024, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2. Cùng với dải băng tần 3.700 - 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz - đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G, tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.
Trước đó, ngày 8/3/2024, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm tới. Khối băng tần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Viettel, bởi đây là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cả mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G.
Bên cạnh 2 khối băng tần nêu trên, khối băng tần C3 phải hoãn đấu giá vào ngày 14/3/2024. vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 - 3900 MHz.
Theo quy định, mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa một khối băng tần. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có 3 doanh nghiệp có thể có băng tần qua đấu giá để triển khai 5G. Như vậy, ngoại trừ Viettel và VNPT đã sở hữu khối băng tần B1 và C2, khối băng tần thứ 3 là C3 chưa có chủ.
MobiFone là cái tên sáng giá nhất để sở hữu khối băng tần còn lại. Trong khi đó, Vietnamobile và Gtel là 2 nhà mạng có đủ điều kiện tham gia đấu giá lại không có động tĩnh tham gia đấu giá băng tần.
Cần nhiều điều kiện khác
Như vậy, “cơn khát” băng tần của các nhà mạng phần nào đã được giải. Nhưng để thương mại hóa 5G, thì sở hữu băng tần mới chỉ là yếu tố đầu tiên, còn rất nhiều điều kiện khác. Theo đó, trong thời hạn 30 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả trúng đấu giá, Viettel và VNPT phải nộp tiếp một lần tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định.
Trong thời hạn 60 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả trúng đấu giá, tổ chức trúng đấu giá phải nộp tiếp một lần toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện còn lại, cộng với số tiền lãi tính theo quy định.
Sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần mới, Viettel và VNPT phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần này. Nhà mạng phải cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần này.
Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần, Viettel và VNPT phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá.
Vẫn còn nỗi lo lớn
Chi hàng ngàn tỷ đồng “mua” tần số và hàng ngàn tỷ đồng nữa để xây dựng hạ tầng 5G, nhưng điều khiến các nhà mạng lo lắng nhất là bài toán kinh doanh, mà cụ thể là lượng người dùng không đủ lớn. Trong khi đó, băng thông 4G đang đáp ứng tốt nhu cầu dữ liệu của khách hàng.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT cho biết, năm 2024, VNPT sẽ triển khai dịch vụ 5G như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng.
Còn theo ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone, ngoài việc tham gia đấu giá lấy giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ 5G, MobiFone cũng tính tới phương án dùng chung hạ tầng 5G để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kinh doanh…
Phát triển 5G không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm thách thức. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư, cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, triển khai 5G không chỉ là vấn đề công nghệ đã sẵn sàng hay chưa, mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống sao cho hiệu quả.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, để triển khai thành công 5G, cần có 3 yếu tố, bao gồm: hạ tầng mạng lưới, thiết bị và hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng. Hiện nay, giá thành các thiết bị đầu cuối của 5G đã xuống thấp, là thời điểm thích hợp cho triển khai công nghệ này.
Tuy nhiên, để thương mại hóa 5G hiệu quả, không chỉ phụ thuộc vào độ phổ cập của các thiết bị đầu cuối, điện thoại 5G, các thiết bị IoT..., mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng đi kèm. “Vì vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết hợp với các nhà mạng đưa ra các ứng dụng, dịch vụ mới khai thác hiệu quả công nghệ 5G...”, ông Nam nhấn mạnh.