Dự báo, thời gian tới, xuất nhập khẩu vẫn giảm. Đây là một cảnh báo rất quan trọng, bởi nó tác động đến cả đầu vào (nguồn cung), cả đầu ra (tiêu thụ) của tăng trưởng GDP, đặc biệt là đối với công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tiêu chí quan trọng nhất của nước công nghiệp.
Xuất khẩu giảm sâu, khi tốc độ giảm lên tới 12%, hay giảm tới 20,339 tỷ USD. Sự sụt giảm xuất khẩu diễn ra ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước giảm 12,2%, hay giảm 5,479 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tới 73,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) giảm 11,9%, hay giảm 14,858 tỷ USD.
Sụt giảm xuất khẩu diễn ra ở 37/45 mặt hàng chủ yếu, trong đó giảm sâu (giảm trên 100 triệu USD) có 26 mặt hàng, đặc biệt giảm rất sâu (trên 1 tỷ USD) có 7 mặt hàng, gồm điện thoại và linh kiện (giảm 5,106 tỷ USD); dệt may (giảm 2,559 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 2,233 tỷ USD); máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 1,736 tỷ USD); giày dép (giảm 1,619 tỷ USD)… Đây là những mặt hàng có quy mô kim ngạch lớn nhất, thuộc các ngành, lĩnh vực có thế mạnh về lao động hoặc có kỹ thuật, công nghệ khá cao. Có một số mặt hàng bị giảm về lượng xuất khẩu, như clinker và xi măng, xăng dầu, phân bón, cao su, xơ sợi, dệt… Có một số mặt hàng bị giảm về đơn giá xuất khẩu như chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su…
Sự sụt giảm xuất khẩu diễn ra ở 48/63 địa bàn, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 22, giảm rất sâu (trên 1 tỷ USD) có 7, gồm TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội. Đó là những địa bàn có quy mô xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Sự sụt giảm xuất khẩu diễn ra ở 55/80 thị trường chủ yếu, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 24, đặc biệt có 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (giảm 9,869 tỷ USD), Trung Quốc (giảm 1,479 tỷ USD), Hàn Quốc (giảm 1,098 tỷ USD).
Nhập khẩu giảm sâu hơn (-18,4%, hay giảm 31,428 tỷ USD). Đó là tốc độ và mức giảm lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Sự sụt giảm nhập khẩu diễn ra ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước giảm 19%, hay giảm 11,418 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 18,1%, hay giảm 20,016 tỷ USD.
Sự sụt giảm nhập khẩu diễn ra ở 42/53 mặt hàng chủ yếu, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 30, đặc biệt giảm rất sâu (trên 1 tỷ USD) có 8 mặt hàng là điện thoại và linh kiện (giảm 6,4 tỷ USD); máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 4,609 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (giảm 2,729 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (giảm trên 2 tỷ USD); sắt thép (giảm 1,988 tỷ USD)… Có một số mặt hàng chủ yếu giảm về lượng như quặng và khoáng sản khác; phế liệu sắt thép, sắt thép, kim loại thường khác; phân bón; chất dẻo nguyên liệu; ngô, cao su, giấy, bông, xơ sợi.
Tính theo địa bàn, có 51/63 tỉnh, thành phố giảm, trong đó giảm sâu có 23, giảm rất sâu có 7 (TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên).
Theo thị trường, có 45/75 thị trường chủ yếu giảm, giảm tương đối sâu có 18, đặc biệt có 7 thị trường giảm rất sâu (Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia).
Dù xuất siêu tiếp tục với quy mô lớn. Tính đến tháng 5, có 55/86 thị trường xuất siêu, trong đó xuất siêu lớn (trên 100 triệu USD) có 33 thị trường, đặc biệt có 11 thị trường xuất siêu rất lớn trên 1 tỷ USD là: Mỹ (30,666 tỷ USD), Hà Lan (3,73 tỷ USD), Hồng Kông (2,548 tỷ USD), Anh (2,051 tỷ USD)…
Tuy nhiên, xuất siêu là do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu. Xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là chủ yếu, còn khu vực trong nước vẫn nhập siêu lớn.