Nếu điều kiện thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành. Ảnh: Đức Thanh |
Vốn sẽ còn rẻ, trừ… cho vay tín chấp
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,25% - khả năng là lần tăng cuối cùng của năm nay. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều khả năng lãi suất của Fed thời gian tới sẽ đi ngang, rồi xoay chiều giảm dần về 5% vào đầu năm 2024, về 3% vào năm 2025. Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng sẽ hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.
Tại châu Á, chính sách tiền tệ đảo ngược sớm hơn, với đa phần ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất. Việt Nam có 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm. “Lãi suất điều hành của Việt Nam có thể tiếp tục giảm từ 4,5% hiện nay xuống 4% vào quý IV/2023 và kỳ vọng giảm về 3,5% trong năm 2024 và đầu năm 2025”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Doanh nghiệp khó khăn, sức hấp thụ vốn thấp chưa từng thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp nhất trong vòng 13 năm qua khiến Chính phủ sốt ruột “thúc” ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay, bơm tiền ra nền kinh tế.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, từ nay đến cuối năm, nếu điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành. Tuy nhiên, ngay cả khi lãi suất điều hành không giảm, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn đã được ngân hàng mời chào cho vay với lãi suất 7-9%/năm. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận lãi suất này. Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC cho biết, doanh nghiệp này đang phải vay tín chấp với lãi suất 14%, vẫn ở mức khá cao dù đã giảm khoảng 2% so với trước.
Lý giải chuyện “ế vốn” mà vẫn cho vay lãi suất cao, PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, ngân hàng “mua” vốn về thì phải “bán” vốn ra. Song mở rộng tín dụng trong bối cảnh khó khăn bủa vây hiện tại là rất khó, ngân hàng không thể cho vay khi doanh nghiệp không chứng minh được khả năng trả nợ, không có khả năng quản lý dòng tiền.
Nhiều doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng cho vay tín chấp, song việc đẩy mạnh cho vay tín chấp là không thể khi hai bên chưa xây dựng được niềm tin. “Một khoản tín dụng rẻ hoặc dưới chuẩn thì rủi ro rất cao, không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế”, bà Mùi nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích thêm, hiện trách nhiệm của người cho vay rất lớn, trong khi trách nhiệm của người đi vay rất nhỏ, dẫn đến nợ xấu ngày một tăng. Vì vậy, ngân hàng không thể cho vay bằng mọi giá, mà trước hết phải đảm bảo an toàn.
Lo vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro
Thống kê của FiinGroup cho thấy, quý II/2023, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng giảm gần 42%. Theo FiinGroup, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay không còn là đòn bẩy tài chính cao, mà nằm ở việc hấp thụ vốn. Do đó, thay vì “đẩy” tín dụng mới chảy ra nền kinh tế, các chính sách nên tập trung vào hỗ trợ lãi suất, giãn hoãn nợ.
Dù chính sách tiền tệ đang chuyển sang linh hoạt, nới lỏng hơn, song theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong bối cảnh cả 3 động lực tăng trưởng kinh tế đều khó khăn như hiện nay, dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất.
“Nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn rất lớn. Vì vậy, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Quang đề nghị.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng, hạ sâu lãi suất, tìm mọi cách bơm tín dụng ra nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại. Do vậy, tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở liều lượng hợp lý để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế.
Thực tế, bất động sản đang là khu vực khát vốn nhất, có khả năng hấp thụ vốn cao. Đây cũng là lĩnh vực có sức lan tỏa cao nếu dòng vốn rót vào các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực như bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp… Tiếp vốn cho bất động sản hồi phục là một trong những giải pháp cần thiết để làm ấm nóng nền kinh tế hiện nay.
Tuy vậy, bất động sản là lĩnh vực rủi ro, dựa vào tín dụng ngân hàng sẽ gây nhiều hệ lụy. Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh hạ lãi suất để kích cầu vốn sản xuất - kinh doanh, phải có giải pháp làm ấm lại thị trường trái phiếu, cổ phiếu để giảm tải cho tín dụng. Đáng mừng là thị trường chứng khoán phục hồi tốt từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặt bằng lãi suất tiếp tục rẻ đang hỗ trợ tốt 2 thị trường này, vấn đề còn lại là niềm tin của nhà đầu tư.
Đây là sự kiện về lĩnh vực quản lý tài sản lần đầu tiên do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thời gian: 13h00-18h00 ngày 8/8/2023
Địa điểm: Khách sạn Pullman (40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội)
Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy - Swimming in the vortex”, các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế sẽ thảo luận chuyên sâu về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; các cơ hội, chiến lược đầu tư hiệu quả trong môi trường biến động khó lường; các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đầu tư được ưu thích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vàng, ngoại tệ, bất động sản…
Các hoạt động: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, gồm hai phiên trình bày và thảo luận với chủ đề “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”; vinh danh sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023; vinh danh các doanh nghiệp vì sự phát triển của dịch vụ tài chính.