Ngân hàng - Bảo hiểm
Tiết kiệm tiền gửi ô tô, tôi quay về đi xe máy
Mộc Miên - 22/10/2018 10:05
Thay vì mất 3,1 triệu tiền gửi xe/tháng, anh Hưng gửi nhà bố mẹ cách chừng 19 km. Có việc mới sang lấy xe đi, hoặc gọi xe dịch vụ.
Việc tăng giá gửi xe ô tô khiến nhiều người tìm nhiều cách tiết kiệm chi phí

Dưới đây là chia sẻ của anh Quang Hưng, ở Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, về cách anh tiết kiệm chi phí sử dụng ô tô mỗi tháng, sau khi nhà nước áp dụng việc tăng giá gửi xe từ tháng 1/2018:

Tôi mua xe tháng 6/2017, vay ngân hàng 400 triệu, bằng 75% giá trị xe. Tôi chọn gói trả cả gốc lẫn lãi trong vòng 3 năm để có động lực tiết kiệm, đỡ tiền lãi gửi. Tôi đi làm tại một công ty và có một cửa hàng kinh doanh thực phẩm bên ngoài.

Nhà tôi ở trong ngõ nhỏ, ô tô không thể đi vào nên tôi phải tìm các chỗ gửi xe quanh đó, trung bình 1,8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra là phí gửi 700.000 đồng ở bãi đỗ công ty. Cộng cả tiền xăng xe khoảng 2 - 2,5 triệu/tháng, và tiền trả ngân hàng, mấy tháng đầu lãi cao tôi phải chi gần 20 triệu đồng cho "em xế". Khi cửa hàng tôi kinh doanh được, số tiền đó tôi vẫn xoay xở được. Nhưng cuối năm đó, chúng tôi bị nhiều khoản nợ, nên khá chật vật để trả lãi hàng tháng.

Đến đầu tháng 1/2018, nhà nước lại áp dụng tăng giá trông giữ ô tô, điểm tôi gửi tăng từ 1,8 lên thành 2,4 triệu đồng/tháng. Lúc này, tôi bắt đầu cân nhắc tới việc tìm điểm đỗ rẻ hơn, chấp nhận đi xa hơn để giảm chi phí nhưng tìm mãi cũng không có chỗ.

Nhà tôi cách công ty chừng 8 km. Lúc đầu mới mua tôi thường xuyên đi ô tô vì nghĩ "mưa chẳng tới mặt, nắng chẳng tới đầu", nhưng khi đi được vài tháng, tôi thấy bất cập khi đường thường xuyên tắc, thường phải mất 1 - 1h30 phút mới về đến nhà, trong khi đi xe máy chỉ mất khoảng 35 phút. Xăng đi trong phố phải dừng đỗ nhiều cũng tốn hơn chạy ngoại thành.

Vì thế cứ hôm nào trời mưa, đầu tuần, cuối tuần, hay dịp lễ, tôi thường bỏ ô tô ở nhà, lấy xe máy đi cho tiện. Chỉ khi nào đi xa một chút hay lên chi nhánh cửa hàng của hai vợ chồng cách Hà Nội chừng 50 km, 1 lần/tuần, tôi mới lấy xe ra đi. Có lần tôi bị ốm cả tháng, xe để trong bãi không đi, vừa bị hỏng ắc quy, vừa vẫn phải đóng tiền như thường.

4 tháng trước, tôi quyết định mang xe sang nhà ông bà nội, cách nhà tôi chừng 19 km để gửi, vì nhà bên đó rộng, để xe thoải mái. Khi nào cần việc, tôi lại phi xe máy sang, cũng chỉ mất khoảng 40 phút. Lúc có việc gấp, tôi gọi xe dịch vụ cũng rất tiện.

Đi làm hàng ngày tôi lại trở về với chiếc xe máy quen thuộc. Nhờ đó, mỗi tháng tôi tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng tiền gửi xe. Tiền xăng xe giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tháng.

Số tiền tiết kiệm được từ tiền gửi xe, chuyển sang đi xe máy, giúp hai vợ chồng tôi đỡ chật vật hơn nhiều, nhất là trong thời điểm chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh doanh. Nhiều bạn bè tôi cũng phải đi tìm những chỗ đỗ xe rẻ hơn để tiết kiệm chi phí, có người thậm chí còn bán xe.

Tôi nghĩ khoản nào có thể tiết kiệm được thì nên làm, nó sẽ giúp mình đỡ bị gánh nặng, và áp lực kinh tế mỗi tháng. Tùy vào tình hình kinh tế mỗi thời điểm để đưa ra đối sách hợp lý, sắp xếp tài chính phù hợp.

Chuyên gia phân tích tài chính Bội Lê (TP HCM) cho biết cách điều chỉnh của anh Hưng khá hợp lý. Anh Hưng có thể tính thêm đến phương án cho thuê xe luôn để có thêm một khoản thu nhập, lúc nào cần dùng thì gọi xe dịch vụ. Khi nào tình hình kinh tế gia đình khá hơn, anh ngưng cho thuê xe, và lấy lại dùng.

Chuyên gia khuyên mỗi gia đình luôn phải biết rõ từng khoản chi và biết mức độ cần thiết của mỗi khoản chi. Khi có thay đổi trong thu nhập hoặc chi tiêu thì phải điều chỉnh lại tất cả các khoản khác, thậm chí điều chỉnh luôn cả các kế hoạch tích luỹ dài hạn, khoản nào ít cần thiết nhất sẽ bị cắt nhiều nhất.

Tin liên quan
Tin khác