Ngày hội thắp sáng xanh lam
Ngày Đái tháo đường thế giới (WDD) tổ chức hàng năm vào ngày 14/11 (được thiết lập bởi Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới vào năm 1991) để đáp lại sự quan tâm ngày càng tăng về mối đe dọa sức khỏe leo thang do bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới và đã trở thành một ngày chính thức của Liên hợp quốc vào năm 2006.
Các chuyên gia chia sẻ nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường. |
Chiến dịch Ngày Đái tháo đường thế giới được đại diện bởi một logo vòng tròn màu xanh được thông qua vào năm 2007 - là biểu tượng toàn cầu về nhận thức đối với đái tháo đường, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người bệnh đái tháo đường trên toàn cầu trong ứng phó với dịch bệnh đái tháo đường.
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường.
Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán.
Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường típ 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ.
Đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Nhưng thật lạc quan, 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khoẻ mạnh.
Cũng theo IDF, tại Việt Nam, có khoảng gần 4 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường (năm 2021). Hầu hết trong số này là đái tháo đường típ 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.
Chiến dịch hưởng ứng Ngày phòng chống bệnh Đái Tháo đường Thế giới năm 2023 được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” và thông điệp cụ thể “Hiểu nguy cơ, Biết hành động” (Know your risk, Know your response) tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển.
Đồng thời nêu bật tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái đường típ 1, típ 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh.
Tại Việt Nam, buổi lễ “Thắp sáng xanh lam” với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn y tế, học sinh, sinh viên các trường đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế và sẽ thu hút hàng ngàn lượt khách đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau tìm hiểu, nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường, đặc biệt là tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ, phát hiện sớm đái tháo đường và các biến chứng của bệnh.
Đại diện cho đơn vị chủ quản dự án CDiC và cũng là đơn vị đồng hành tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày phòng chống Đái tháo đường thế giới, PGS-TS.Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam chia sẻ, các bệnh viện nhi, sản nhi các tuyến thuộc hệ thống nhi khoa tích cực khám chữa bệnh cho nhóm trẻ em mắc đái tháo đường típ 1 từ nhiều năm nay.
Được sự hỗ trợ từ chương trình CDiC, Hội nhi Khoa Việt Nam phối hợp cùng nhiều bệnh viện và hiệp hội chuyên khoa trong cả nước thông qua các hoạt động đào tạo dành cho nhân viên y tế, chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cho bệnh nhân, hỗ trợ thiết bị đo đường huyết cá nhân, đóng góp chuyên môn xây dựng hướng dẫn điều trị đái tháo đường típ 1 trên trẻ em.
Thông qua sự kiện “Thắp sáng xanh lam”, TS.Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh “Sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới dường như không thể dừng lại, nhưng chúng ta có bổn phận phải hành động để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Bộ Y tế đã kêu gọi, ới toàn thể mọi người: hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác.
Hãy biết nguy cơ, chủ động đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường;
Đối với các nhân viên y tế: nhiệm vụ của các bạn là nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; và tăng cường chuyên môn để tư vấn, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả; Đối với các nhà hoạch định chính sách hãy xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành Y tế;
Thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân chúng ta không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh .
Bộ Y tế kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và toàn thể mọi người dân hãy quan tâm, cảnh giác với bệnh đái tháo đường, cùng thắp sáng mầu xanh hy vọng vào tương lai tươi sáng của hoạt động phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường tại Việt Nam. Hãy cùng nhau hành động ngày hôm nay để thay đổi tương lai của bệnh đái tháo đường.
Hơn 135.800 ca sốt xuất huyết với 35 người tử vong
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 135.879 ca mắc sốt xuất huyết, 35 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng. Chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh việc không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid...
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tuần 44/2023 cả nước ghi nhận 7.089 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Long An. So với tuần trước số mắc tăng 0,05%. Trong đó, số nhập viện tăng 0,01% so với tuần trước.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 135.879 ca mắc sốt xuất huyết, 35 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 54,3%, số trường hợp tử vong giảm 105 ca.
Tại Hà Nội, tính đến giữa tuần này, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400 - 2.700 trường hợp.
Một số quận, huyện của Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca). Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Để phòng chống dịch Bộ Y tế lưu ý Hà Nội tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng và khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị.
Trong công tác điều trị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh lưu ý các cơ sở điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền; gắn bảng màu (ví như màu cam, đỏ…) đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời.
Cùng đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết, kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương để sẵn sàng cùng nhau phối hợp hội chẩn điều trị khi cần.