Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 13/7: Tăng cao bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
D.Ngân - 13/07/2023 08:01
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Có một số ca biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc.

Viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae nguy hiểm thế nào?

Ths. Đỗ Hoàng Hải, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae) là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em và cũng có biểu hiện một số bệnh lý ở các cơ quan khác ngoài phổi.

Bệnh nhi bị tai nạn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

M.pneumoniae có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng động.

Đặc biệt, là ở trẻ em. M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ, cũng như ảnh hướng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương.

Viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae có thể từ từ và bán cấp, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. 

Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần. Khởi đầu trẻ có thể có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở, một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, đau ngực,…

Tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn 2 triệu trường hợp nhiễm M.pneumoniae mỗi năm. Thời điểm này, tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân Viêm phổi phải nhập viện điều trị.

Về nguyên nhân sinh bệnh và cách phòng ngừa? Lứa tuổi nào có nguy cơ mắc bệnh này, ThS.BS. Đỗ Hoàng Hải cho hay, viêm phổi do Mycoplasma gây ra bởi vi khuẩn Mycoplasma pneumonia. 

Loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình vì các triệu chứng khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường khác. M. pneumoniae có các protein kết dính có thể gắn vào màng biểu mô, đặc biệt là biểu mô đường hô hấp. 

Sau khi bám vào, M. pneumoniae sản xuất hydrogen peroxide hoặc superoxide gây tổn thương tế bào biểu mô và tế bào nhung mao. M.pneumonia có khả năng “đào hang” giữa các lông mao trong biểu mô đường hô hấp, cuối cùng gây bong tróc các biểu mô đường hô hấp. Ho kéo dài do ức chế chuyển động của các tế bào nhung mao.

Mycoplasma pneumonia cũng có thể gây ra các bệnh ngoài phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như là: xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm gan cấp tính, thiếu máu tan máu tự miễn, viêm khớp và viêm tủy cắt ngang do sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên glycolipid của Mycoplasma pneumoniae phản ứng chéo với tế bào hồng cầu người và tế bào não theo cơ chế tự miễn.

Nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae phổ biến nhất ở trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. 

Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình nên cho trẻ đi khám chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.

Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…

Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị đầu tiên đối với viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Vi khuẩn Mycoplasma pneumonia không có thành tế bào và do đó có khả năng kháng kháng sinh beta-lactam. Đa phần điều trị với các kháng sinh thông thường sẽ không có đáp ứng,

Một số bệnh nhân có biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma pneumonia kháng thuốc sẽ phải nhập viện để có những điều trị đặc hiệu.

Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường như sốt, mệt mỏi, ho dai dẳng tại các cơ sở y tế uy tín. 

Về phòng ngừa lây nhiễm, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh M. pneumoniae. Bệnh nhân cần được tư vấn về phòng chống nhiễm trùng và lây nhiễm khi có dịch. Bệnh nhân bị nhiễm M. pneumoniae nên được áp dụng biện pháp phòng ngừa giọt bắn trong toàn bộ thời gian mắc bệnh. 

Cảnh báo nhiều trẻ mắc tai nạn xe đạp

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12/7 cho biết các bác sĩ Đơn vị bỏng - Khoa Chỉnh hình tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương gót chân có dấu hiệu bị nhiễm trùng, hoại tử do bị nan hoa xe đạp kẹp gây khuyết hổng da, lộ gân, viêm gân vùng gót chân.

Bé gái N.H (6 tuổi, ở Nam Định) không may bị kẹt gót chân vào nan xe đạp, gây ra vết thương rách da phức tạp, lộ gân gót chân trái. Bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh Viện Nhi Trung ương sau khi điều trị tại tuyến cơ sở không đỡ. Tình trạng vết thương vùng gót chân của trẻ khá nghiêm trọng, lộ gân và đã xuất hiện tình trạng viêm, hoại tử, chảy dịch.

Trẻ được chỉ định phẫu thuật cắt lọc và chuyển vạt da che phủ khuyết hổng, chăm sóc và rửa vết thương hàng ngày. Hiện sức khoẻ trẻ ổn định và đã được ra viện.

Cũng điều trị tại Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé gái T.M (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị gãy 1/3 xương gót, hoại tử da gót chân.

 Được biết, trước khi nhập viện trẻ được người nhà chở đi chơi bằng xe đạp, không may chân trẻ vướng chân vào nan hoa xe đạp. Sau tai nạn, trẻ đau nhiều vùng gót chân trái và được người nhà cho đến phòng khám tư gần nhà để thay băng, rửa vết thương hàng ngày. 

Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau đó, gia đình quan sát thấy chân trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị.

Theo BSCKII Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc chở trẻ đi lại bằng xe đạp/xe máy thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho trẻ nếu không có các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ như lắp ghế ngồi cho trẻ nhỏ, lắp lưới bảo vệ vùng để chân ở bánh sau xe.

Tại Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian vừa qua, tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử phần mềm da gót chân do vô tình kẹt chân vào bánh xe đạp, xe máy khi xe đang lăn bánh trên đường. 

Mặc dù vết thương ở gót chân tuy nhỏ nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì tỉ lệ nhiễm trùng, hoại tử từ vết thương rất cao. 

Do tổn thương ngoài do ma sát mài mòn phần mềm còn do bỏng nhiệt sinh ra do ma sát nên tổn thương thường sâu, ngoài ra gót chân là nơi chịu lực tì đè, vận động thường xuyên và mạch máu nuôi dưỡng kém nên khả năng lành vết thương cũng kém hơn nơi khác. 

Bên cạnh đó bánh xe là nơi dính nhiều bụi đất, là chỗ ẩn náu tốt của vi khuẩn nên đa phần các vết thương do kẹt bánh xe gây ra đều có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Tin liên quan
Tin khác