Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vắc xin Covid-19 rất quan trọng.
Việt Nam đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới từ 5K sang 2K+. Đó là 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị).
Ảnh minh họa |
Do tình hình dịch khó dự đoán, Thứ trưởng Liên Hương nhận định, chúng ta cần “tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại”.
TS. Shane Fairlie, chuyên gia WHO tại Việt Nam cũng nhận định: “Dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường”.
Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.
Tính đến ngày 11/9, Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân đang thở oxy là 113 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước ta tính đến nay là 43.129 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Số ca mắc, ca tăng nặng được đánh giá có xu hướng tăng trở lại.
Nguyên nhân số ca mắc, ca nặng tăng, thậm chí ghi nhận ca tử vong do Covid-19 thời gian gần đây, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP. HCM, là do sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron - vượt qua khả năng miễn dịch của cơ thể.
“Bên cạnh đó, sau một thời gian, kháng thể của cơ thể giảm nên khả năng chống lại virus cũng yếu hơn, virus 'khôn lanh' hơn nên số nhiễm gia tăng. Ngoài ra, thời gian trước, đa số người dân đều tiêm chủng đầy đủ khiến số ca nặng và tử vong giảm. Nhưng hiện nay, số người tiêm mũi nhắc lại chưa nhiều nên ca nặng, tử vong có xu hướng tăng hơn một chút”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Phát động chiến dịch truyền thông "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh"
Bộ Y tế vừa tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh".
Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9/2022 - 31/10/2022, với nhiều hoạt động truyền thông tại trung ương và địa phương.
Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và các đối tác, đơn vị để triển khai nhiều nội dung hoạt động truyền thông phong phú và hiện đại trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Phát động Chiến dịch truyền thông "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh", Bộ Y tế mong muốn người dân nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các Ban, ngành các cấp, đoàn thể và địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 ở nhiều địa phương tiêm vẫn rất chậm
Ngày 12/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 258.807.450 mũi.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 đạt tổng số có 50.393.852 mũi (đạt tỷ lệ 77,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (58%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,9%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (59,4%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Quảng Ninh (96%); Bắc Giang (98,2%); Nghệ An (99,5%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 15.014.205 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 78,7%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (50,8%); Phú Yên (60,7%); TP. Hồ Chí Minh (51,5%); Đồng Nai (55,8%); Tây Ninh (55,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (99,6%); Bắc Giang (99,7%); Gia Lai (97,4%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là 4.778.260 trẻ (đạt tỷ lệ 55,7%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,2%); Phú Yên (18,8%); TP. Hồ Chí Minh (32,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (25,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (93,6%); Lâm Đồng (91,1%); Sóc Trăng (91,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm ở nước ta đạt 16.168.176, trong đó mũi 1: 9.667.612 trẻ (đạt tỷ lệ 87,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (73.5%); Đà Nẵng (62,7%); Quảng Nam (74%); TP. Hồ Chí Minh (62,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu (68,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,9%); Bắc Ninh (99,3%); Quảng Ninh (98,1%).
Mũi 2: 6.500.564 trẻ (đạt tỷ lệ 58,7%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (22,8%); Quảng Nam (24,2%); Bình Thuận (42,2%), TP. Hồ Chí Minh (34,5%); Bà Rịa - Vũng Tàu (40,3%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (92,1%); Sóc Trăng (95,9%); Cà Mau (89,7%).