Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 16/6: Số ca sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam tăng mạnh
D.Ngân - 16/06/2022 08:27
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM hiện TP có số ca mắc mới và ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Số ca mắc Covid-19 mới trong nước giảm còn 774

Tính từ 16h ngày 15/6 đến 16h ngày 16/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 774 ca nhiễm mới đều ở trong nước tại 44 tỉnh, thành phố, có 635 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-103), Quảng Bình (-14), Phú Thọ (-12). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc (+22), Đà Nẵng (+15), Hà Giang (+11).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 764 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.734.925 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 108.383 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.727.159 ca, trong đó có 9.580.288 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.518), TP. Hồ Chí Minh (609.751), Nghệ An (485.180), Bắc Giang (387.648), Bình Dương (383.794).

8.835 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.583.105 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 41 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 36 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; thở máy không xâm lấn: 0 ca; thở máy xâm lấn: 3 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 15/6 đến 17h30 ngày 16/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.514.079 mẫu tương đương 85.823.637 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 224.618.268 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.565.489 liều: Mũi 1 là 71.488.085 liều; Mũi 2 là 68.825.867 liều; Mũi 3 là 1.507.422 liều; Mũi bổ sung là 15.024.928 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.251.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.467.287 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.510.814 liều: Mũi 1 là 8.952.753 liều; Mũi 2 là 8.558.061 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.541.965 liều: Mũi 1 là 4.834.559 liều; Mũi 2 là 707.406 liều.

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện TP đã ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 9 ca tử vong tại TP.HCM. Trong đó quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất.

Hiện nay trên 60% động kinh là ở đối tượng trẻ em, trong đó động kinh kháng thuốc chiếm từ 20-30%.

Đặc biệt số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn.

Do đó, cần phải sớm hành động ngăn chặn, cần tăng cường các giải pháp tương xứng với tình hình, bởi số ca nhiễm tăng thì số ca tử vong cũng sẽ tăng.

Lãnh đạo TP.HCM đề nghị toàn hệ thống chính trị phải nhận thức đúng nguy cơ của dịch sốt xuất huyết và có trách nhiệm ra quân phòng chống bệnh. Trong đó, các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục… phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh.

UBND TP.HCM yêu cầu ngành Y tế tập huấn hệ thống y tế, nhất là các tuyến cuối, chịu trách nhiệm trong phòng chống bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, các bước phát hiện bệnh, uống thuốc chữa bệnh và kịp thời chuyển viện khi uống thuốc không hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ các dung dịch cần thiết (cao phân tử) để điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân tử vong do thiếu thuốc. Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu UBND TP lập trung tâm mua sắm thuốc, vật tư y tế.

TS.Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận định, dịch sốt xuất huyết những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, số ca mắc và tỉ lệ tử vong cao hơn mọi năm.

Tại TPHCM, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kì năm ngoái, chỉ tính riêng tháng 5, số ca bệnh nhập viện cao bằng tổng số tích lũy từ đầu năm.

TS. Ánh Dương cho biết, qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện.

Trước thực tế còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp Cục Quản lý Dược khẩn trương giải quyết việc mua thuốc và dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh thành phố.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh tăng cường đào tạo về công tác điều trị sốt xuất huyết thông qua các bệnh viện trung ương, Sở Y tế tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết, các địa phương phải tự chủ động.

Theo chuyên gia về sốt xuất huyết, hiện nay có tình trạng chẩn đoán bệnh trễ, đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Khi bắt đầu bệnh nhân thường sốt, từ đó đếm số ngày. 

Ngày thứ 4 - 5 là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.

Bên cạnh đó, hiện nay các triệu chứng sốt xuất huyết cũng có những biểu hiện khác lạ so với trước đây. Trước đây, sốt xuất huyết thường gây sốt, phát ban nhưng hiện nay có thêm biểu hiện về tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy...

Theo chuyên gia, hiện nay có test nhanh để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết, cần trang bị xét nghiệm này ở các cơ sở y tế tuyến dưới để chẩn đoán sớm.

Các kỹ thuật hiện đại điều trị bệnh động kinh

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ khoa Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân 14 tuổi có tiền sử động kinh 8 năm.

Cháu N.T.D đến từ Nghệ An xuất hiện cơn động kinh đầu tiên cách đây 8 năm, đến nay hàng tuần có khoảng 3-5 cơn, mỗi cơn kéo dài trung bình 1 phút. Những cơn động kinh kéo dài nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập của D.

Trước phẫu thuật, D. đã dùng qua rất nhiều loại thuốc chống động kinh với liều cao tối đa trong cân nặng của cháu.

Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, D. đã được các chuyên gia Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng.

Sau khi được hội chẩn bởi các bác sĩ, D. đã được phẫu thuật bằng các phương pháp như cảnh báo sớm vùng vận động, định vị thần kinh, xây dựng bản đồ vỏ não trước mổ và phẫu thuật vi phẫu cắt vùng tổn thương.

ThS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1 trực tiếp phẫu thuật cho cháu D. cho biết, vùng tổn thương của cháu D nằm ở hồi sau trung tâm, cách vùng vận động chỉ vài mm, trong phẫu thuật nếu không cẩn thận chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương vận động.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, tổn thương được cắt bỏ hoàn toàn. Hiện tại sau mổ cháu tình trạng cháu D. ổn định, không liệt, không có rối loạn cảm giác, không xuất hiện cơn động kinh sau một tuần phẫu thuật.

Hiện nay trên 60% động kinh là ở đối tượng trẻ em, trong đó động kinh kháng thuốc chiếm từ 20-30%. Động kinh kháng thuốc do các tổn thương vùng vận động hoặc gần vùng vận động là thử thách lớn với phẫu thuật thần kinh chức năng hiện nay do rủi ro cao và gây yếu liệt sau mổ.

Xem xét xử lý hình sự các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế

UBND TP.HCM mới đây đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý, kiểm soát trong chi tiêu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Bảo hiểm xã hội thành phố chủ trì, phối hợp Sở Y tế thành phố xây dựng kế hoạch và đề xuất giải pháp - quản lý, sử dụng có hiệu quả dự toán chi khám chữa bệnh BHYT;

Đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Phân tích các yếu tố tăng, giảm chi khám chữa bệnh hằng tháng, quý toàn thành phố và của riêng từng cơ sở khám chữa bệnh, thông báo cho các cơ sở để chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi khám chữa bệnh BHYT tại đơn vị;

Đồng thời, tăng cường công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng các giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, báo cáo UBND Thành phố.

Mặt khác, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Phối hợp với Sở Y tế kiên quyết ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở y tế có hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh BHYT, vi phạm hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật. Chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xem xét, xử lý hình sự đối với các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu phạm tội gian lận BHYT.  

Sở Y tế cũng được giao tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh BHYT. Sở Y tế phải chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua.

Tin liên quan
Tin khác