Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 1/9: Nỗ lực kiểm soát bệnh sốt xuất huyết; Tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 xuyên dịp lễ Quốc khánh
D.Ngân - 01/09/2022 08:08
Trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận gần 8.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số bệnh nhân nhập viện là 6.784 trường hợp, giảm 18% so với tuần trước.

Hà Nội, TP. HCM nỗ lực kiểm soát bệnh sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 27 quận/huyện, 144 xã/phường/thị trấn; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Đống Đa (36), Thường Tín (33), Thanh Trì (32), Thanh Oai (28), Phú Xuyên (19), Hoàng Mai (18), Ba Đình (15).

Phun hoá chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực có khu vực nguy cơ cao. Ảnh minh hoạ

Tại TP. HCM, trong tuần 35 (từ ngày 22 đến 28/8), thành phố ghi nhận 2.532 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 21% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm gần 34% và ngoại trú giảm gần 7%. Trong tuần 35 không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Đến ngày 28/8, TP. HCM ghi nhận 48.756 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số ca sốt xuất huyết trong tình trạng nặng là 947 ca, tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 35 là gần 2%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Vì vậy, trong thời gian tới Hà Nội, TP. HCM sẽ tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue.

Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh.

Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

Triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình.

TP. HCM: Các bệnh viện đảm bảo trực 24/24 và tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 xuyên dịp lễ Quốc khánh

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế đã chủ trì giao ban trực tuyến với tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế nhằm quán triệt đến tất cả các đơn vị không chủ quan lơ là và luôn chủ động ứng phó với các tình huống cấp cứu, phòng chống dịch.

Theo Sở Y tế TP. HCM, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang gia tăng, dịch sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh, công tác thường trực và phòng chống dịch bệnh trong các ngày nghỉ và lễ Quốc khánh,

Các bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo thường trực 4 cấp, trực 24/24 giờ, tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19.

Trung tâm Cấp cứu 115 có trách nhiệm sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Trung tâm được quyền đưa bệnh nhân cấp cứu đến các bệnh viện có chuyên khoa tương ứng và gần nhất, đồng thời thông báo cho bệnh viện dự kiến chuyển người bệnh đến để biết và chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu người bệnh.

Các bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo thường trực 4 cấp, trực 24/24 giờ, sẵn sàng cơ số giường, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, oxy... để tiếp nhận người bệnh cấp cứu.

Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 tự đến hoặc do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến. Các bệnh viện không vì thủ tục hành chính hoặc vì bất cứ lý do gì mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh.

Các cơ sở y tế cần tăng cường tư vấn từ xa, hội chẩn, quy trình báo động đỏ trong công tác cấp cứu, điều trị các trường hợp bệnh nặng, nhất là các trường hợp Covid-19, sốt xuất huyết diễn tiến nặng.

Tất cả bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tiếp tục tăng cường tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong tháng 9, tăng cường truyền thông và tổ chức các điểm tiêm vắc-xin Covid-19 xuyên các ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Riêng đối với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Sản, Nhi tuyến Thành phố; bệnh viện quận, huyện; trung tâm y tế phải tiếp tục triển khai các điểm tiêm cố định tại đơn vị cho người dân (người lớn và trẻ em) liên tục trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh.

Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở Y tế về việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho lực lượng tuyến đầu, đảm bảo tất cả người làm việc tại đơn vị (nếu đủ điều kiện) đều được tiêm đúng lịch, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy trình xử trí khi phát hiện các trường hợp nghi bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong trong trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố.

5 tỉnh, thành tiêm vắc-xin mũi 1 Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi thấp hơn mức bình quân chung của cả nước

Ngày 31/8, Bộ Y tế thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta, tổng số vắc-xin đã tiêm đến nay là 257.063.479 mũi.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau hơn 4,5 tháng triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.569.697 mũi, trong đó mũi 1 là: 9.406.903 trẻ (đạt tỷ lệ 84,4%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp dưới 67% là: Đà Nẵng (60,7%); Quảng Nam (61,5%); TP. HCM (55,3%); Bà Rịa - Vũng Tàu (66,9); Bình Dương (60,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,4%); Vĩnh Long (97,6%); Cà Mau (99,5%).

Mũi 2: 6.162.594 trẻ (đạt tỷ lệ 55,3%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 39%: Đà Nẵng (21,6%); Quảng Nam (20,3%); TP. HCM (31,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (38,6%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,1%); Sóc Trăng (94,5%); Cà Mau (84,2%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.073.376 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,4%).

5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (57%); Khánh Hòa (55,4%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 14.378.722 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 75,7%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (57,4%); Đà Nẵng (47,4%); TP. HCM (50,4%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,8%); Hưng Yên (97,3%); Bắc Kạn (98,5%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.562.131 trẻ (đạt tỷ lệ 52,8%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Phú Yên (17,4%); TP. HCM (30,2%); Bà Rịa - Vũng Tàu (15,3%); Đồng Nai (25,3%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (92,4%); Kon Tum (87,6%); Sóc Trăng (90,5%).

Tin liên quan
Tin khác