Gánh nặng bệnh lao
Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. |
Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là 7,1 triệu trường hợp trong năm 2019, đã giảm xuống còn 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, con số này đã có sự phục hồi nhỏ, lên mức 6,4 triệu trường hợp được phát hiện (mức phát hiện của năm 2016-2017).
Ba quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến sự sụt giảm này là Ấn Độ, Indonesia và Philippines (chiếm 67% tổng số sụt giảm toàn cầu). Các quốc gia này đã có sự phục hồi vào năm 2021, nhưng vẫn chiếm tới 60% mức độ sụt giảm so với năm 2019.
Một số quốc gia khác có mức giảm trên 20% so với trung bình phát hiện của quốc gia có thể kể đến là Bangladesh (2020), Lesotho (2020 và 2021), Myanmar (2020 và 2021), Mongolia (2021) và Việt Nam (2021).
Việc giảm số ca được phát hiện trong năm 2020 và 2021 cho thấy rằng số bệnh nhân chưa được phát hiện và điều trị đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng cũng sẽ mạnh hơn.
Ước tính trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 trong nhóm người sống chung với HIV.
Ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu). Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược hoàn toàn mức độ giảm 2% hàng năm đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2022). Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19 công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22,7% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.
Tuy vậy, năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021, mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.
Chương trình Chống Lao đã tập trung triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao ngay sau đại dịch Covid nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị.
Các can thiệp bao gồm tăng cường năng lực hệ thống y tế các tuyến đặc biệt là y tế cơ sở thông qua các hoạt động tập huấn đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, tét chẩn đoán….để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phát hiện, chẩn đoán, thu nhận điều trị thường quy tại các đơn vị chống lao.
Tập trung kinh phí, đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực tại cộng đồng và cơ sở y tế. Triển khai các đợt phát hiện chủ động trên toàn quốc, áp dụng chiến lược 2X (XQ sàng lọc và Xpert chẩn đoán).
Đặc biệt, mô hình phát hiện chủ động trên diện rộng thực hiện thí điểm tại Ninh bình đã có kết quả ban đầu rất khả quan, tăng cường năng lực và sự tích cực tham gia của y tế cơ sở, sự vào cuộc, trực tiếp tham gia và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo Sở y tế, huy động nguôn lực địa phương. Mô hình phát hiện chủ động trên diện rộng sẽ tiếp tục được nhân rộng trong quy mô toàn quốc.
Tăng cường các hoạt động mở rộng mạng lưới phòng chống lao như: phối hợp y tế công công, công tư; phát hiện quản lý bệnh lao trong các khu vực khép kín (trại giam, trại giáo dưỡng); phối hợp lao/HIV nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao trong nhóm người nhiễm HIV; Phối hợp với các bệnh viện Nhi khoa, Sản nhi nhằm tăng cường phát hiện Lao trẻ em.
Ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện viện Phổi Trung ương cho hay, dịch tễ lao ở Việt nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.
Theo báo cáo đến hết tháng 6/2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 1.632, và thu nhận 1.632 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 36% so với chỉ tiêu kế hoạch (4548).
Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 73%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra rất nhiều (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (12%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước từ thời điểm đó, nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.
Sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của chương trình phòng chống lao quốc gia, thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa có cơ chế chính sách rõ ràng về mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn bảo hiểm y tế.
Việc cấp phép nhập khẩu ở Bộ Y tế kéo dài do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy trình phê duyệt… ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hàng, hạn sử dụng của hàng hóa khi về đến Việt Nam còn lại ngắn. Một số mặt hàng đang thiếu trầm trọng do chưa xin được giấy phép nhập khẩu là sinh phẩm Tubeculin PPD và thuốc lao hàng 2.
Nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình PPM do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Nhiều cơ sở y tế mức độ phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn.
Sự phản hồi 2 chiều giữa chương trình chống lao tỉnh với các cơ sở y tế công-tư đã tham gia phối hợp còn chưa thật sự khăng khít nên ảnh hưởng đến sự tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao.
Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO.
Tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động chương trình chống lao, nhiều Bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải nợ lương cán bộ, nhiều đơn vị thắt chặt hơn về nhân lực và tần suất đi giám sát chương trình chống lao.
Thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động chương trình chống lao gặp khó khăn, tâm lý cán bộ làm công tác chống lao không ổn định…
Cảnh báo căn bệnh viêm cơ tim cấp tính ở người trẻ
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình một năm có 15 ca viêm cơ tim cấp có sốc tim vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cấp cứu và điều trị. Các trường hợp vào cấp cứu gần đây triệu chứng ban đầu chỉ đau bụng, ho, sốt, sau chuyển sang tím tái nhanh và có nguy cơ ngừng tim.
Ngày 3/8, đưa con (4 tuổi) vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám với triệu chứng đau bụng, sốt, nôn nhiều, chị P.T.H (Hà Nội) không bao giờ nghĩ con mình lại bị viêm cơ tim cấp.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định đặt máy ECMO để hỗ trợ trái tim đang co bóp yếu ớt và loạn nhịp nặng của cháu bé. Sau 5 ngày điều trị tích cực, cháu bé đã cai được ECMO và hiện đang thở ôxy, chức năng sống ổn định. Trường hợp bị viêm cơ tim cấp, sốc tim nặng khác là cháu T.H (13 tuổi).
ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 cho biết, viêm cơ tim cấp thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ (20-40 tuổi), khá nhiều người có tiền sử khoẻ mạnh. Xu hướng bệnh nhân ngày càng trẻ hoá.
Chuyên gia cũng cho hay, viêm cơ tim cấp là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bị viêm cơ tim cấp như: Do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm; một số bệnh lý tự miễn; bệnh hệ thống; nhiễm độc hay quá mẫn cảm với một số loại thuốc, vắc-xin.
Theo bác sĩ Phong, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm cơ tim cấp nhưng nguyên nhân do virus hay gặp nhất. Đối với trẻ em, tỷ lệ viêm cơ tim rơi vào khoảng 1-2/100.000 trẻ.
Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ em bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh.
Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ho, sốt nên dễ chẩn đoán sang bệnh khác.
Nếu trẻ có kèm theo triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái… thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế".
Bác sĩ Bùi Nam Phong cũng cho hay, viêm cơ tim cấp là căn bệnh có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, có một số triệu chứng giống cảm sốt thông thường như: Mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ.
Các trường hợp viêm cơ tim cấp nặng phải can thiệp ECMO mới có hy vọng cứu sống. Bệnh nhân viêm cơ tim cấp khi ra viện còn cần tiếp tục điều trị, theo dõi lâu dài về tim mạch, tuân thủ tái khám thường xuyên, hạn chế vận động nặng.
Đặc biệt, người bệnh khi ra viện phải hết sức lưu ý theo dõi sức khoẻ, chế độ ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ… khi có ho, sốt, đau ngực, khó thở… hay bất kể bệnh lý nào thì không được chậm trễ mà phải tới cơ sở y tế thăm khám ngay.
Trước đây, tỷ lệ tử vong ở người trẻ bị viêm cơ tim cấp là rất cao, nhưng hiện nay, với sự phối hợp của liên chuyên khoa trong chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc, đặc biệt, với việc áp dụng hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị cho những trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, nhiều người đã được cứu sống ngoạn mục.
Theo nghiên cứu của Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cứu sống ở bệnh nhi viêm cơ tim được hỗ trợ ECMO khoảng 60% - tương đương với các nước phát triển.
Để phòng bệnh viêm cơ tim cấp, bác sĩ Phong khuyến cáo, người dân, nhất là các bạn trẻ nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc khoa học, tăng cường sức đề kháng, tích cực hoạt động thể dục thể thao, hạn chế bia rượu và tiêm vắc-xin sớm để phòng các loại bệnh đã có vắc-xin.