Nếu như năm 2021 là năm mà toàn hệ thống y tế được huy động tổng lực cho “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử, thì bước sang năm 2022, Ngành Y tế Thành phố lại phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch đã để lại nhiều hệ quả khác nhau.
Đó là sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế tại y tế cơ sở và các bệnh viện công lập, đó là nguồn thu của các bệnh viện tự chủ bị giảm sút ảnh hưởng đến cân đối thu chi, đó là tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…, và vẫn còn đó những cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện thành phố xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới.
Cũng chính từ bối cảnh này, cùng với sự nỗ lực của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Ngành Y tế luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi đã giúp hệ thống y tế Thành phố tiếp tục đứng vững và tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nổi bật hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày một tốt hơn.
Hoạt động lắng nghe và đối thoại trực tuyến với người dân sử dụng dịch vụ công của Sở Y tế đã trở thành hoạt động thường quy hàng tuần. Nguồn: Sở Y tế TP.HCM |
Dưới đây là 10 hoạt động nổi bật của Ngành Y tế Thành phố trong năm 2022:
1. Phục hồi hệ thống y tế thành phố sau thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19.
2. Chủ động ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn thành phố.
3. Khởi động chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (Chương trình WHO PEN).
4. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội giai đoạn sau Covid-19. Ngành y tế chính thức đưa loại hình dịch vụ "Cấp cứu trầm cảm" đi vào cuộc sống.
5. Thí điểm thành công đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế.
6. Luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện và đưa X-quang phổi có tích hợp trí tuệ nhân tạo về xã đảo Thạnh An.
7. Triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sau tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối của thành phố.
8. Đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân về cung ứng dịch vụ công của ngành Y tế thành phố và đổi mới sáng tạo quy trình tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
9. Thêm nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và người dân các tỉnh trong khu vực.
10. Tổ chức thành công hội thi "Trưởng Trạm Y tế giỏi lần thứ nhất" và khởi động bình chọn giải thưởng thành tựu y khoa lần thứ 3 với chuyên đề các sản phẩm phục vụ sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa tiếp nhận chuyển giao thành công kỹ thuật cắt gan
Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cắt gan từ Bệnh viện Trung Ương quân đội 108 (BVTWQĐ 108).
Theo ThS. BSCK2. Trần Văn Thiết - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu: Hiện nay Thanh Hoá là tỉnh đông dân, khoảng gần 4 triệu người, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật mổ điều trị ung thư đường tiêu hoá như: cắt toàn dạ dày, đại trực tràng nội soi, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh tỉnh Thanh Hoá. Riêng đối với bệnh lý về u gan thì phương pháp phẫu thuật cũ còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với nhu cầu điều trị của người bệnh.
Trong những năm qua, mỗi năm tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá đã khám, thu dung, điều trị cho gần một nghìn người bệnh có bệnh lý về khối u gan. Bệnh nhân nội trú trung bình 700 - 800 BN, hàng năm điều trị cho vài trăm bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan và các bệnh lý về u gan lành tính khác. Trong đó điều trị bằng hóa trị, xạ trị, nút mạch và đốt sóng cao tần điều trị u gan cho hàng trăm bệnh nhân, nhiều bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, nhưng với phương pháp cũ còn hạn chế, hiệu quả không cao nên chưa thực hiện được.
Khắc phục điều này, lãnh đạo bệnh viện đã gửi các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức, kỹ thuật viên là nguồn nhân lực chất lượng cao của bệnh viện đi đào tạo tiếp nhận chuyển giao tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 theo hình thức cầm tay chỉ việc. Cùng với đó, bệnh viện đã chuẩn bị phòng gây mê hồi sức, phòng mổ với các trang thiết bị hiện đại (Dàn phẫu thuật nội soi, dao siêu âm, dao hàn mạch, Máy mê, máy thở, mornitor, máy sốc điện) đầy đủ.
Qua thời gian đào tạo, ê kíp phẫu thuật đã được đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tạo mọi điều kiện thuận lợi, đào tạo kiến thức, chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn, ekip phẫu thuật của Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa hiện tại đã làm chủ được kỹ thuật cắt gan. Ngày 19-12, bệnh viện tổ chức phẫu thuật cắt gan cho 2 bệnh nhân:
Ca thứ nhất: Phẫu thuật nội soi cắt thùy gan trái cho bệnh nhân 19 tuổi bị K gan
Ca thứ hai: Phẫu thuật cắt gan hạ phân thùy 6 cho bênh nhân bị K gan.
Ưu điểm cùa phương pháp này là bệnh nhân được phẫu thuật triệt để, ít mất máu, nhất là phẫu thuật nội soi sau mổ bệnh nhân ít đau, hồi phục sức khỏe sớm.
Việc đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá làm chủ được kỹ thuật cắt gan điều trị cho bệnh nhân ung thư, giúp tạo đà cho sự phát triển các kỹ thuật mới chuyên sâu hơn tại bệnh viện; đây là cơ hội tốt cho bệnh nhân u gan, ung thư gan được phẫu thuật và điều trị ngay tại tuyến tỉnh, không phải chuyển tuyến trên, giúp giảm chi phí điều trị, đồng thời giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phòng, chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, từ đầu năm đến tuần thứ 51 năm 2022 đã phát hiện 286 trường hợp mắc sốt rét và 26 ổ bệnh tại miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên có số ca mắc sốt rét cao nhất cả nước với 218 trường hợp, chiếm 49,55%. Gia Lai là một trong các địa phương có sốt rét lưu hành nặng so với cùng kỳ năm 2021.
Các địa phương của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần đánh giá, đề xuất đề án đảm bảo nguồn lực dự phòng đồng thời có cơ sở đề nghị tài trợ từ ngân sách tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng, chống, loại trừ sốt rét.
Duy trì kết quả phòng, chống và quyết tâm loại trừ sốt rét vào năm 2030 theo Chiến lược phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.
Mục tiêu năm 2023 của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là tiếp tục đẩy lùi sốt rét, tập trung cho những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao; củng cố các yếu tố bền vững, ngăn chặn sốt rét quay trở lại và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét.
Đồng thời, phấn đấu khống chế tỷ lệ tử vong do sốt rét xuống dưới 0,011/100.000 dân; giảm tỷ lệ mắc sốt rét xuống dưới 0,02/1.000 dân và không để dịch sốt rét lớn xảy ra.
Để đạt được những mục tiêu trên, khu vực sẽ tập trung rà soát xác định mục tiêu, lộ trình loại trừ sốt rét phù hợp với từng địa phương; thực hiện biện pháp phòng, chống hiệu quả tại các vùng trọng điểm sốt rét, vùng có dân di biến động; tăng cường chẩn đoán điều trị sốt rét ở các tuyến và tăng cường hệ thống giám sát, báo cáo trường hợp bệnh sốt rét bằng phần mềm thông tin báo cáo sốt rét eCDS-MMS tại các tuyến.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn được xem là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả phòng, chống và loại trừ sốt rét của khu vực đã được những kết quả đáng ghi nhận, thiệt hại do bệnh được hạn chế đến mức thấp nhất. Cụ thể, số trường hợp mắc sốt rét được phát hiện trong 11 tháng đầu năm 2022 tại đây giảm 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 và không có trường hợp sốt rét ác tính hay xảy ra tử vong.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương công nhận tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt Tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh. Như vậy, Thừa Thiên - Huế là địa phương thứ 2 trong khu vực miền Trung - Tây Nguyện được công nhận tiêu chí này, sau thành phố Đà Nẵng (năm 2019).