Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 21/6: Hướng dẫn biện pháp xử lý nước phòng chống bệnh truyền nhiễm
D.Ngân - 21/06/2023 08:23
Bộ Y tế đã ra hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý nước nhằm phòng chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn trước tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng có nguy cơ xảy ra.

Nguy cơ thiếu nước sạch, Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách xử lý

Theo Bộ Y tế, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, năm 2023 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra. Hiện nay, nắng nóng gay gắt bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Ảnh minh hoạ.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn xử lý nước bằng các biện pháp đơn giản áp dụng cho những hộ gia đình chưa được cấp nước sạch từ các cơ sở cung cấp nước tập trung, hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng nhằm phòng chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Theo đó, người dân nên chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo các bước sau đây. 

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Làm trong nước bằng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cô-tong để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước, có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Đối với hộ gia đình thường khử trùng nước bằng Cloramin B, được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau, phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g, hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước trong, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

Đối với nguồn nước cấp cho tập thể, hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng thì khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, clorua vôi), và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

Đối với việc khử trùng bằng hóa chất bột thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn, lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramin hoạt tính trong l lít nước.

Đối với bột Cloramin B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần hòa tan 3g bột Cloramin B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể, hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Bộ Y tế lưu ý, nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được; không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

Sau khi khử trùng, ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng; nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng.

Việc khử trùng nước bằng hóa chất bột cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn. Trước khi tiến hành khử trùng cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất, nên sử dụng hóa chất còn hạn sử dụng để đảm bảo liều lượng và hiệu quả khử trùng.

Việc đun sôi nước chỉ sử dụng để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng…

Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau, nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Người dân lưu ý nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Phẫu thuật thành công cho sản phụ mang song thai hiếm gặp

Thông tin từ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, thời gian qua, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho sản phụ mang song thai IVF hiếm gặp: Một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung

Các bác sĩ cho biết, chuyển 2 phôi trong quá trình thực hiện IVF tại một cơ sở y tế, tuy nhiên khi khám thai, sản phụ H.T.K.T. chỉ được phát hiện một thai phát triển trong buồng tử cung.

Đến tuần thai thứ 13, thai phụ đau bụng nhiều, chị tới khám tại Bệnh viện 354 và được giới thiệu chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Bệnh nhân trong trạng thái lơ mơ, mệt mỏi, tiếp xúc kém, da xanh niêm mạc nhợt, bụng căng, chướng, ấn đau khắp bụng.

Qua siêu âm, ngoài phát hiện một thai tương đương 13 tuần 2 ngày trong buồng tử cung, phát hiện khối tăng âm cạnh buồng trứng trái kích thước 100x60mm, nhiều dịch tự do ổ bụng. Nghi ngờ thai phụ song thai trong đó có 1 thai ngoài tử cung nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng.

Kết quả nội soi cho thấy, chị T. mang song thai nhưng 2 thai nằm ở 2 vị trí khác nhau: Một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường. Thai còn lại nằm ngoài buồng tử cung, phát triển ở đoạn kẽ vòi tử cung bên trái dẫn đến hoại tử, vỡ, gây mất máu trong ổ bụng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, việc cùng lúc mang thai thai đôi trong đó 1 thai ngoài tử cung, 1 thai trong tử cung là đặc biệt hiếm gặp.

Trường hợp phát hiện muộn, không can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung có thể dẫn đến các biến chứng vỡ, chảy máu ồ ạt, đe dọa sức khỏe cho cả mẹ và thai còn lại

Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ekip bác sĩ Đinh Huy Cường, bác sĩ Phạm Khương Vũ đã nhanh chóng can thiệp nội soi, loại bỏ khối chửa ngoài tử cung. Phương pháp nội soi là kỹ thuật ngoại khoa phức tạp, có hiệu quả cao trong các trường hợp thai phụ bị chửa ngoài tử cung.

Với kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ bác sĩ, ca phẫu thuật thuận lợi kết thúc, thai ngoài tử cung được giảm thiểu, huyết động học của thai nhi còn lại ổn định. Ghi nhận trong phẫu thuật, ổ bụng có 1500ml máu cục lẫn máu loãng.

Nhờ được theo dõi và điều trị sát sao hàng ngày tại khoa Sản bệnh A4, chị T. hồi phục sức khỏe nhanh, thai nhi còn lại phát triển bình thường. Sản phụ được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Đây là một trường hợp may mắn dù sản phụ không được phát hiện thai ngoài tử cung từ sớm, đến khi hoại tử và vỡ gây mất máu nhưng đã được điều trị kịp thời, không ảnh hưởng tới thai nhi còn lại.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khuyến cáo, thai phụ không nên chủ quan, nên quản lý thai kỳ tại cơ sở chuyên khoa uy tín để được kiểm tra toàn diện, phát hiện sớm những bất thường nhằm có kế hoạch điều trị kịp thời, bảo toàn sức khỏe cho mẹ và bé.

Mắc bệnh hiếm sau khi bị mèo cắn

Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, cơ sở vừa cứu thành công một trường hợp mắc bệnh hiếm gặp sau khi bị mèo cắn.

Bệnh nhân nam 37 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh khi bắt mèo nhà làm thịt, bị mèo cắn khoảng 50 ngày trước khi nhập viện.

Tại thời điểm bệnh nhân đến khám, có sưng đau đầu ngón tay 3 bên phải và vùng hố nách cùng bên tay bị mèo cắn, có hạch sưng đau kích thước khoảng 3x2cm.

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh mèo cào, theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được điều trị bằng giảm đau, hạ sốt, kháng sinh theo phác đồ. 

Bệnh mèo cào là bệnh được thế giới công nhận là bệnh nhiễm trùng thường do trực khuẩn gram âm Bartonella henselae gây ra. Mèo đóng vai trò là ổ chứa tự nhiên của Bartonella henselae và sinh vật này gây bệnh nhiễm khuẩn huyết trong hồng cầu và có thể tồn tại một năm hoặc lâu hơn ở một số con mèo.

Cơ chế nhiễm bệnh có thể do mèo cào hay cắn gây xây xước trên cơ thể người bệnh hoặc mèo liếm rây nước bọt vào vết thương hở trên cơ thể người bệnh. 

Bác sĩ CKI Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, khi xâm nhập từ mèo vào cơ thể con người qua vết cào hoặc vết cắn, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể người, gây tình trạng viêm hạch tại chỗ. 

Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sưng tấy, đau, đóng vẩy đen tại vị trí bị mèo cào, cắn hoặc liếm. Sau một thời gian vẩy bong nhưng vết thương không liền sẹo như vết thương thông thường mà vẫn sưng, phù nề, các hạch bạch huyết gần vùng cắn có thể bị sưng to gây tình trạng sốt, chán ăn, nhức đầu kéo dài 2-5 tháng.

Bệnh mèo cào nếu phát hiện muộn có thể biến chứng nghiêm trọng vào nội tạng gây tổn thương gan, thận; biến chứng thần kinh gây viêm não, động kinh; biến chứng vào mắt gây mù lòa… ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh”.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, khi tiếp xúc với động vật như chó, mèo phải chú ý tránh việc mèo cào, cắn, hạn chế tiếp xúc gần với chó, mèo khi da bị xây xước.

Khi mèo cào, cắn, liếm vết thương hở phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh 5-10 phút, dùng xà phòng hoặc nước sát khuẩn rửa, vệ sinh. 

Mặc dù tỷ lệ bệnh dại do mèo tương đối thấp nhưng cần theo dõi tình trạng ốm, chết của mèo khoảng 15 ngày, đến cơ sở y tế tư vấn, tiêm phòng uốn ván hoặc phòng dại.

Các gia đình nuôi chó, mèo cần chủ động tiêm phòng dại cho chó mèo, đặc biệt với gia đình có trẻ em cần biết cách bảo vệ trẻ em khỏi những con chó mèo dữ để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Tin liên quan
Tin khác