Nhiều tỉnh, thành thiếu vắc-xin
Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Số mũi tiêm thực hiện hằng năm khoảng 40 triệu các loại.
Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang thiếu hụt một số vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1. |
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhiều địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang... đã phản ánh tình trạng cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn gây thiếu vắc-xin cục bộ.
Một số địa phương cho biết từ nhiều tháng nay, các vắc-xin như 5 trong 1, DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) chưa được cấp đủ theo nhu cầu. Ngoài ra, các loại vắc-xin khác số lượng cũng còn rất ít, dự kiến trong 1-2 tháng tới sẽ hết nếu không được cung cấp thêm.
Thời điểm này, nhiều địa phương tiếp tục phản ánh đã hết vắc-xin 5 trong 1 (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib) để tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em, một số vắc-xin khác cũng dần cạn kiệt khiến tỷ lệ tiêm chủng không đạt theo kế hoạch. Ngoài ra, nhiều loại vắc-xin sản xuất trong nước cũng bị thiếu.
Thông tin từ tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang thiếu 4 loại vắc-xin: 5 trong 1; 3 trong 1; sởi; viêm gan B sơ sinh để tiêm miễn phí cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lý giải về việc thiếu vắc-xin, đại diện một số địa phương cho biết những năm qua, từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau đó, vắc-xin được cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ.
Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vắc-xin xảy ra từ mùa hè năm 2022. Nguyên nhân do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Sau một thời gian các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc mua vắc-xin, việc triển khai tiêm chủng mở rộng ở các tỉnh bị trì trệ.
Về mức độ nguy hiểm của thiếu vắc-xin, theo báo cáo “Tình hình trẻ em năm 2023” của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 2023, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm và tiêm vắc-xin không đầy đủ, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, gián đoạn học tập do điều trị, thậm chí mất đi tương lai và cơ hội sống.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, có hơn 60 trường hợp đã tử vong do không tiêm vắc-xin dại. Bệnh bạch hầu vẫn còn xuất hiện ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và còn gây ra ca tử vong hằng năm, chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên chưa được tiêm vắc-xin nhắc lại. Uốn ván sơ sinh dù đã được loại trừ vào năm 2005 thỉnh thoảng vẫn còn quay lại do nhận thức tiêm chủng hạn chế.
Để khôi phục tỷ lệ tiêm chủng và đạt mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em bền vững, UNICEF kêu gọi những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xây dựng niềm tin vào vắc-xin, giúp cộng đồng hiểu rõ về sự an toàn và giá trị của tiêm chủng. Đặc biệt, UNICEF cũng khuyến nghị việc giáo dục cho trẻ em về vắc-xin trong quá trình nuôi dạy.
Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam tăng
Tầm vóc của người Việt ngày càng có sự cải thiện. Chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Cụ thể, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam năm 2020 đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm.
Tại Hội nghị Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam do Viện Khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam phối hợp với Hội khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam tổ chức, các chuyên gia khẳng định, bên cạnh yếu tố di truyền, dinh dưỡng, vận động đúng cách sẽ góp phần cải thiện chiều cao, thể lực người Việt Nam.
Theo chuyên gia, các hoạt động thể chất rất có ý nghĩa để phát triển chiều cao, tăng cường thể lực. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý khi vận động để hạn chế nguy cơ bị các tổn thương mãn tính hoặc cấp tính.
Theo đó, trước khi vận động cần có thời gian khởi động kỹ để cơ thể có bước chuyển tiếp, thích nghi về nhịp tim, hệ thống gân, cơ... để phòng nguy cơ chấn thương. Đặc biệt với các phong trào thể dục cộng đồng, tỷ lệ chấn thương còn nhiều hơn nếu không có kiến thức, tập luyện sai.
Năm 2018, Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Một trong 3 mục tiêu quan trọng được đặt ra là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.