Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 30/9: Không chủ quan với bệnh lý tai mũi họng; Thí điểm điều trị trầm cảm tại trạm y tế
D.Ngân - 30/09/2023 06:47
Tai mũi họng là những bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ nhất là trong thời tiết giao mùa chuyển từ nóng sang se se lạnh như những ngày gần đây.

Chú ý bệnh lý tai mũi họng khi giao mùa

Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, nguyên trưởng Khoa Tai mũi họng trẻ em của Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, ở mọi lứa tuổi thì những bệnh lý tai mũi họng thường khắp cũng khá giống nhau như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi dị ứng, nhất là thời điểm thời điểm chuyển giao từ Hè sang Thu.

PGS-TS.Nguyễn Thị Hoài An đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhân.

Những bệnh lý tai mũi họng thường gặp, đầu tiên phải kể tới bệnh viêm tai giữa. Đây là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa là do virus, vi khuẩn hay nấm. Trong khi đó, viêm tai giữa cũng có thể do các loại virus như virus hợp bào hô hấp (RSV) và những loại gây ra cảm lạnh thông thường bằng cách làm tổn hại đến hệ thống phòng thủ bình thường của các tế bào biểu mô đường hô hấp trên.

Tỷ lệ trẻ em mắc viêm tai giữa chiếm  khoảng 10 - 20%, thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh nhất là thời gian giao mùa sang mùa thu, tầm tháng 9, tháng 10. Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như đau tai, đau nhức đầu, sốt cao, chán ăn, tiêu chảy, phản ứng chậm với âm thanh.

Bệnh lý thứ hai là viêm họng. Đây là bệnh lý thường gặp nhất. Thông thường, có ba loại viêm họng hay gặp nhất là viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét. Bệnh thường dễ gặp khi trởi trở lạnh, tiến triển nhanh nếu không được điều trị.

Những triệu chứng thường gặp ở viêm họng là đau rát họng, khát nước, đau nhức mình mẩy, hạnh viêm vùng góc hàm, sốt, ớn lạnh, nhức đầu.

Một bệnh lý cũng hành hạ người dân trong thời tiết giao mùa đó là viêm xoang. Viêm xoang có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh do các nguyên nhân khác dẫn đến như nhiễm khuẩn, virus, dị ứng, nấm. Có hai loại viêm xoang là viêm xong cấp tính và mãn tính.

Ở người lớn viêm niêm mạc mũi xoang sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn tính kèm các triệu chứng như đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa và khe trên có mủ, sốt, kém tập trung, người mệt mỏi.

Bệnh lý amidan cũng hay gặp trong thời tiết giao mùa từ hè sang thu. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm amidan nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị hơn. Người bệnh sẽ có những triệu chứng như đau họng, sốt, chảy nước mũi, hai bên amidan sưng lớn, viêm họng đỏ.

Viêm amidan mạn tính sẽ gây nên những triệu chứng như đau nhói vùng họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi… Khi amidan tái đi tái lại nhiều lần trong năm sẽ sưng to cản trở đường ăn uống, gây khó thở và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Còn bệnh lý viêm mũi dị ứng thường gặp tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thời tiết, môi trường, nấm mốc, cơ địa đều là những yếu tố dẫn đến viêm mũi dị ứng. Không được điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính.

Viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người mắc nhưng luôn gây cảm giác khó chịu cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Theo PGS. Hoài An, các bệnh lý tai mũi họng cần được điều trị sớm và triệt để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở uy tín tránh tiền mất tật mang.

Thông tin thêm về loại thuốc khiến bệnh nhân bị mù mắt

Cơ quan chức năng tại Pakistan đã có thông báo tạm ngừng sử dụng một loại thuốc điều trị ung thư (Avastin) được phân phối bởi hãng dược Roche (Thụy Sĩ) để điều tra do có 12 bệnh nhân bị mù sau khi tiêm thuốc.

Liên quan đến thông tin này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin, đến nay Cục chưa nhận được bất kỳ báo cáo phản ánh tác dụng không mong muốn của thuốc Avastin được sản xuất bởi hãng dược Roche liên quan đến việc bệnh nhân bị mất thị lực tại Pakistan.

Văn phòng đại diện F. Hoffmann La Roche Ltd. đã có công văn báo cáo các thông tin cập nhật về việc điều tra liên quan đến thuốc Avastin nêu trên.

Tại Việt Nam, thuốc Avastin điều trị một số bệnh ung thư có 4 giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực.

Cụ thể, theo Cục Quản lý Dược, thuốc Avastin được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam với các chỉ định điều trị: Ung thư đại trực tràng di căn ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, tiến triển, di căn hoặc tái phát ung thư tế bào thận tiến triển và/hoặc di căn u nguyên bào thần kinh đệm/u tế bào thần kinh đệm ác tính (giai đoạn IV), ung thư biểu mô buồng trứng, ống dẫn trứng và ung thư phúc mạc nguyên phát.

Ngoài các cảnh báo chung, trong tờ hướng dẫn sử dụng được Cục Quản lý Dược phê duyệt cũng cảnh báo liên quan đến việc "không được sử dụng cho tiêm vào bên trong dịch kính.

Cụ thể, thuốc có thể gây rối loạn về thị giác. Các trường hợp riêng lẻ và các nhóm biến cố bất lợi nghiêm trọng ở mắt đã được báo cáo sau khi tiêm vào trong dịch kính, là đường dùng không được chấp nhận với hỗn hợp Avastin từ lọ dùng cho truyền tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư.

Những phản ứng này bao gồm: Nhiễm trùng nội nhãn, viêm nội nhãn cầu, như viêm nội nhãn vô trùng, viêm màng bồ đào và viêm dịch kính, băng võng mạc, rách biểu mô sắc tố võng mạc, tăng nhãn áp, xuất huyết nội nhãn như xuất huyết dịch kính hoặc xuất huyết võng mạc và xuất huyết kết mạc.

Một số các biến cố đã dẫn đến mất thị lực ở các mức độ khác nhau, bao gồm mù vĩnh viễn.

Trước đó, theo báo cáo của Văn phòng đại diện F. Hoffmann La Roche Ltd. tại công văn số RA/2/9/2023 báo cáo các thông tin cập nhật về việc điều tra liên quan đến thuốc Avastin thông tin gửi Cục Quản lý Dược, tại Pakistan, khoảng 12 người bệnh đã bị mất thị lực sau khi sử dụng thuốc tiêm do nhà cung cấp bất hợp pháp Genius Pharmaceutical Service cung ứng.

Theo báo cáo này, thuốc được ghi nhãn "Inj. Avastin 1,25 mg/0,05 ml" gây nhận định sai lệch đây là sản phẩm của Roche.

Thuốc Avastin của Roche không được phê duyệt để sử dụng cho bất kỳ chỉ định nào trên mắt. Cơ sở Genius Pharmaceutical Service đã cung ứng/pha loãng/đóng gói lại thuốc với liều lượng 1,25mg/0,5 ml trong điều kiện mất vệ sinh và không được phê duyệt.

TP.HCM thí điểm điều trị trầm cảm tại trạm y tế

Sở Y tế TP.HCM vừa triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị rối loạn trầm cảm dựa vào cộng đồng tại các trạm y tế trên địa bàn thành phố với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, đơn vị này phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam triển khai thí điểm mô hình quản lý trầm cảm dựa vào cộng đồng tại 5 trạm y tế trên địa bàn TP.HCM.

Đó là các trạm y tế: An Thới Đông (huyện Cần Giờ), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Tân Hưng Thuận (Quận 12), Phú Trung (quận Tân Phú) và Trạm Y tế Phường 15 (quận Tân Bình).

Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, qua đợt khám sức khỏe thí điểm cho người từ 60 tuổi trở lên được triển khai trong tháng 8/2023 vừa qua đã ghi nhận có đến 420 người có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 3,05%) và phát hiện 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 2,14%).

Thực tế hiện nay chỉ rõ, trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khoẻ tâm thần phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng không chỉ đối với sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính và có thể chuyển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 3,8% dân số bị trầm cảm (khoảng 280 triệu người). Đặc biệt, WHO ghi nhận tỉ lệ trầm cảm tăng lên sau đại dịch Covid-19.

Các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của rối loạn trầm cảm là trầm buồn kéo dài, thiếu hứng thú hoặc niềm vui trong cuộc sống, động cơ làm việc và năng lượng sống ở mức thấp, kèm theo các triệu chứng cơ thể khác như: mệt mỏi, đau nhức, hồi hộp, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ...

Về điều trị, theo WHO, tâm lý trị liệu được áp dụng với hầu hết các trường hợp rối loại trầm cảm; phối hợp tâm lý liệu pháp và thuốc chống trầm cảm áp dụng với những trường hợp vừa và nặng.

Trầm cảm nhẹ chỉ cần áp dụng tâm lý trị liệu, không cần thiết phải dùng thuốc. Việc phát hiện, điều trị trầm cảm bằng các biện pháp tâm lý trị liệu và dùng thuốc không quá khó khăn và tỉ lệ thành công cao.

Tuy nhiên, theo WHO, hiện nay trên 75% trường hợp trầm cảm ở các nước thu nhập trung bình và thấp không được tiếp cận các dịch vụ điều trị và hỗ trợ. 

Ngoài ra, hệ thống điều trị chuyên khoa tâm thần ở các nước đang phát triển đa số không có đủ bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Bên cạnh đó, hiểu biết của người dân về trầm cảm còn nhiều hạn chế, kỳ thị liên quan đến rối loạn sức khỏe tinh thần còn rất nặng nề.

Trong chương trình hỗ trợ ngành y tế TP.HCM, WHO tại Việt Nam giới thiệu mô hình quản lý và điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng. Theo mô hình này, WHO đã tích hợp chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn trầm cảm phổ biến, bao gồm rối loạn trầm cảm và lo âu tại các trạm y tế và cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác