Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 25/11: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
D.Ngân - 25/11/2022 09:05
Bộ Y tế có công điện số 1576/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Theo số liệu thống kê tình hình sốt xuất huyết từ các địa phương, hiện nay đang là những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong.

Mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.

Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch Covid-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.

Ảnh minh hoạ.

Dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:

Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Ngành Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính), chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết căn cứ theo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các nội dung chi, mức chi theo quy định để triển khai các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ngành huyết học - truyền máu làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại

Hội nghị Huyết học-Truyền máu toàn quốc năm 2022 đang diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore cùng các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về huyết học-truyền máu Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là dịp để các nhà khoa học, cán bộ ngành huyết học- truyền máu được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và bảo đảm nguồn máu an toàn.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta đã có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới và đã thực hiện được thành công trong việc khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc, thực hiện tầm soát gene bệnh tiến tới giảm dần số lượng trẻ em sinh ra bị bệnh tại một số địa phương.

Về lĩnh vực di truyền-sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gene ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến.

Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học - Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện: điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền...

Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Huyết học - Truyền máu Toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24-25/11 tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế của Bỉ và Hoa Kỳ đã làm việc với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về Đào tạo và chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào và Dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tế bào CAR-T.

Các buổi làm việc của chuyên gia nằm trong khuôn khổ hợp tác Dự án Đào tạo và chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào. Cơ quan thực hiện dự án phía Wallonie-Bruxelles là Trường Đại học Liège, Bỉ và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương được phê duyệt thực hiện.

Dự án nhằm hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ về liệu pháp tế bào tại Trường Đại học Liege của Bỉ trong 3 năm (2022-2024). Mục tiêu chung của dự án là tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về các kỹ thuật liệu pháp tế bào, cụ thể đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về tạo nguồn và ứng dụng liệu pháp tế bào, ứng dụng liệu pháp tế bào trong thực tiễn tại Việt Nam cho các bệnh máu ác tính, mạn tính.

Sau khi được đào tạo về lý thuyết và thực hành, các cán bộ được đào tạo sẽ nhận được chứng chỉ công nhận. Từ đó tiếp tục đào tạo các cán bộ khác và là cơ sở để có thể triển khai liệu pháp tế bào ở Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, các chuyên gia sẽ đào tạo tại chỗ một số nội dung về tế bào gốc trung mô, tiêu chuẩn chất lượng tế bào gốc JAICE, ghép tế bào gốc lâm sàng; thảo luận về nội dung các cuộc trao đổi chuyên gia giữa hai bên và học bổng thực tập chuyên môn tại Bỉ năm 2023.

Ngoài ra, Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Hoa Kỳ (NHLBI) thuộc Viện Sức khỏe Hoa Kỳ cũng làm việc với Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương các nội dung: Hội chẩn ca bệnh tại Khoa Ghép tế bào gốc, họp trực tuyến khảo sát cơ sở vật chất Ngân hàng Tế bào gốc để chuẩn bị cho Dự án chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tế bào CAR-T.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra Đại hội đại biểu Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2022 - 2027), Đại hội đại biểu Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam và các sự kiện bên lề như: triển lãm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm; hội thảo vệ tinh, báo cáo giới thiệu sản phẩm của đơn vị tài trợ...

Tin liên quan
Tin khác