Nguy hiểm tính mạng vì ong đốt
Trên đường đi học vào ngày 18/9, bé trai B.L (10 tuổi, Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt với hơn 100 nốt đốt rải rác khắp cơ thể. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến cơ sở y tế và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng. Lúc này, B.L tỉnh táo nhưng mệt và khó thở nhiều, ngay lập tức, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Ảnh minh hoạ. |
Giờ thứ 5 sau khi bị đốt, trẻ vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng. Các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi với các biện pháp như thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất.
Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi.
TS.BS Bùi Thị Tho, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho hay, mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Trước đó, ngày 6/9, bệnh viện cũng tiếp nhận 2 trường hợp trẻ bị ong đốt nguy kịch khác. Theo gia đình cho biết, 15 giờ chiều 5/9, hai cháu N.T (12 tuổi) và M.A (9 tuổi), ở Hoà Bình bị ong đốt khi đi hái ổi cùng nhau.
Bé N.T (12 tuổi) sau khi bị đốt khoảng 50 nốt ở vùng đầu mặt cổ, trẻ mệt và đau nhiều, gia đình ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế và được xử trí phản vệ sau đó nhanh chóng chuyển tới bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhi mệt hơn, sốt cao, khó thở và tiểu sẫm màu do tiêu cơ vân cấp. Sau 1 ngày, tình trạng bệnh không cải thiện, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng, bao gồm suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, trụy mạch, tổn thương cơ tim, suy gan, suy thận và tiêu cơ vân cấp.
"Để cứu sống bệnh nhi, chúng tôi đã tiến hành cho trẻ thở máy, chống sốc và chỉ định lọc máu liên tục kết hợp với lọc máu hấp phụ độc tố, đồng thời điều trị kháng sinh, giảm đau và hỗ trợ cơ quan tích cực", đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương nói.
TS.Bùi Thị Tho cho biết, trẻ bị ong đốt nặng thường rơi vào hai bệnh cảnh: sốc phản vệ giai đoạn sớm và tình trạng suy gan, suy thận do tiêu cơ vân vài ngày sau khi bị đốt.
Trường hợp cháu N.T là một ca bệnh đặc biệt nguy kịch với diễn biến suy đa cơ quan nhanh chóng. Rất may mắn, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi cải thiện hơn, không cần sự hỗ trợ của máy thở cũng như các thuốc trợ tim, vận mạch.
Đồng thời, tình trạng tiêu cơ vân và men gan cải thiện rõ. Bệnh nhi đã tự tiểu được, chúng tôi chuyển cháu lên Khoa Thận và Lọc máu để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn tránh bị đốt nhiều hơn.
Sau đó thực hành các bước như sau: Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương.
Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn. Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.
Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo đó, điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Quyết định nêu rõ, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Khi đang thi hành nhiệm vụ bị một trong các tai nạn sau: Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương; bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người không xác định được tình trạng nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương.
Có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do cơ sở xét nghiệm theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm HIV phải lấy từ người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm xẩy ra tai nạn quy định tại khoản 1.
Điều kiện xác định người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Người được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm phải lấy từ người bị phơi nhiễm với HIV tại thời điểm từ đủ 30 ngày đến trước 180 ngày kể từ thời điểm bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Quyết định nêu rõ, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý và các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành khác trừ trường hợp quy định trên.
Trình tự cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (cơ quan quản lý) gửi 1 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp; qua đường bưu chính; trên môi trường điện tử. Trình tự kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận như sau:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do và hướng dẫn cho cơ quan quản lý bổ sung hồ sơ.
Cảnh báo dấu hiệu ung thư lưỡi
Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã phẫu thuật loại bỏ khối u lưỡi thành công cho một nam bệnh nhân 73 tuổi.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây khoảng 1 tháng bệnh nhân thấy xuất hiện khối vùng rìa lưỡi phải, khối u to dần theo thời gian, đau nhức khi ăn uống, kèm theo mệt mỏi và sút cân nhưng chủ quan không đi khám. Khi thấy triệu chứng ngày một tăng lên, gia đình lo lắng nên đã đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị.
Khi vào viện các bác sĩ đã thăm khám và sinh thiết khối u, kết quả mô bệnh học cho thấy hình ảnh ung thư biểu mô vảy của lưỡi. Sau hội chẩn các bác sĩ Khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ cùng chuyên gia Bệnh viện K đưa ra thống nhất phẫu thuật cắt bán phần lưỡi phải, tạo hình lại lưỡi, vét hạch cổ phải.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn ổn định, ăn uống, nói chuyện bình thường và đã được ra viện, tiếp tục theo dõi và tái khám định kì.
Ung thư lưỡi là một loại ung thư thường gặp nhất trong khoang miệng, thường phát triển từ các tế bào biểu mô vảy trên bề mặt lưỡi, biểu hiện như một khối u hoặc loét.
Các dấu hiệu đáng chú ý nhất là vết sùi loét không lành trên lưỡi kéo dài từ 4 tuần trở lên, đau rát lưỡi, khó ăn uống và nói chuyện. Dấu hiệu ung thư lưỡi thường không biểu hiện ra bên ngoài rõ ràng và gần giống như bệnh nhiệt miệng nếu không chú ý, cho nên việc thăm khám là điều hết sức cần thiết.
Theo các bác sĩ, cũng giống như tất cả các bệnh ung thư khác, tiên lượng và thời gian sống cho bệnh nhân ung thư lưỡi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: Giai đoạn tiến triển ung thư, lựa chọn phương pháp điều trị, độ tuổi, thể trạng bệnh nhân…
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo đến người dân: Nếu thấy có biểu hiện đau rát vùng lưỡi khi ăn uống, xuất hiện u cục, loét miệng kéo dài, mệt mỏi, sút cân… cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về ung thư thăm khám để kịp thời phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.