Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 6/6: Chính thức khởi động “Hành trình Đỏ” toàn quốc năm 2023, xác định được gen gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em
D.Ngân - 06/06/2023 07:57
“Hành trình Đỏ” là chương trình hiến máu tình nguyện lớn của cả nước do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức từ năm 2013.
TIN LIÊN QUAN

Hoạt động ý nghĩa hiến máu cứu người

Đến nay, qua 10 năm hoạt động, ngọn lửa của “Hành trình Đỏ” vẫn luôn sáng, thôi thúc mỗi người dân tích cực tham gia hiến máu vì cộng đồng. “Hành trình Đỏ” năm nay với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” sẽ diễn ra đến hết tháng 7/2023 với sự hưởng ứng tích cực của 48 tỉnh, thành trên cả nước.

“Hành trình Đỏ” là chương trình hiến máu tình nguyện lớn của cả nước do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức từ năm 2013. 

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ chia sẻ, năm 2013, Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương phối hợp cùng các đơn vị đề xuất ý tưởng và tổ chức chương trình vận động hiến máu xuyên Việt-Hành trình Đỏ và được Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đồng ý triển khai.

Năm đầu tiên, Chương trình được tổ chức tại 15 tỉnh, thành phố, thu được kết quả rất đáng khích lệ. Sau một thập kỷ tổ chức, Hành trình Đỏ với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” đã ngày càng lan tỏa, nhận được sự tham gia phối hợp của nhiều địa phương trên cả nước, trở thành một chiến dịch truyền thông, vận động và tổ chức hiến máu có quy mô lớn nhất Việt Nam. 

Đến nay, đã có 58 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia tổ chức thành công “Hành trình Đỏ”. Chương trình đã thu hút hàng triệu người tham dự, tiếp nhận được gần 700.000 đơn vị máu.

Năm 2023, chương trình Hành trình Đỏ lần thứ 11 được tổ chức tại 48 tỉnh, thành phố trong tháng 6 và tháng 7, cũng là năm có nhiều địa phương tham gia tổ chức Hành trình Đỏ nhất.

Còn theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Vũ Thanh Lưu cho biết, chiến dịch những giọt máu hồng trong dịp hè và Chương trình “Hành trình Đỏ” lần thứ XI năm 2023 do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động diễn ra trong 4 tháng (1/5 - 31/8), cao điểm là chương trình "Hành trình Đỏ", đã góp phần nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho hàng triệu người dân hiểu biết về hiến máu tình nguyện và bệnh Tan máu bẩm sinh.

Đối với các tỉnh, thành phố tổ chức Chương trình “Hành trình Đỏ”, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị cần chủ động phối hợp với Trung tâm máu Quốc gia và các cơ sở huyết học - truyền máu khu vực xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức; chủ trì các hoạt động, sự kiện Hành trình Đỏ tại địa phương.

Lồng ghép tổ chức Lễ khai mạc chương trình Hành trình Đỏ với các các hoạt động tôn vinh, khen thưởng nhân Ngày "Quốc tế người hiến máu” - 14/6; tổng kết Tháng Nhân đạo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động và các sự kiện của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp địa phương.

Đã xác định được gen gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em

Tối 5/6, Sở Y tế TP.HCM đã có thông báo xác định được gen subgenotype (B5) của Enterovirus 71 (EV71), tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em.

Theo Sở Y tế TP.HCM, B5 là kiểu gen (subgenotype) của EV71 - tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 Bệnh viện Nhi của TP.

Đó là kết quả giải trình tự gen được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Oucru. Cả 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV71 và đều có kiểu gen B5.

Cũng theo Sở Y tế, kiểu gen B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007, và tại TP.HCM năm 2015, 2018.

Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại TP có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây.

Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22. Theo đó, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc trong tuần 19.

Thêm bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm

Ngày 5/6, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, Khoa Nội Tổng hợp của Bệnh viện đang tiếp tục điều trị, theo dõi cho bệnh nhân H.V.Q. (39 tuổi, ở xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) bị ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ve sầu.

Theo bác sĩ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bà Rịa, may mắn là bệnh nhân Q. chỉ ăn một lượng ít nấm mọc từ xác ve sầu nên mức độ ngộ độc không nặng. 

Được biết, trong 10 ngày qua, Bệnh viện Bà Rịa đã cấp cứu và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm lạ.

Trước đó, chiều 4/6, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị tích cực cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu.

6 bệnh nhân là: T.H.T 51 tuổi, N.V.L 52 tuổi, K.V.Đ 45 tuổi, L.N.R 41 tuổi, C.C.R 38 tuổi và C.Y.H 11 tuổi, cùng trú tại xã Cư KBang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, trong đó 5 bệnh nhân lớn tuổi được cấp cứu, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, còn 1 bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

Khi nhập viện, có 3/5 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có các biểu hiện nhẹ hơn, tiếp xúc tỉnh, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.

Các bệnh nhân cho biết, mấy ngày vừa qua, tại địa phương có nhiều người đua nhau đi đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán với giá 70.000 đồng/kg, vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo, nhiều người còn đăng bán trên cả mạng xã hội. 

Thấy vậy, người thân trong gia đình anh C.C.R cũng đi đào được hơn 10 cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho mọi người ăn.

Cả nhà anh có 5 người ăn, nhưng sau khi ăn chừng 2 tiếng thì anh C.C.R cùng 2 người trong gia đình có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo các bệnh nhân thì từ trước tới giờ chưa ai từng ăn loại nấm này nhưng do mấy ngày gần đây loại nấm này mọc nhiều, mọi người rộ lên thông tin nấm này mọc từ ấu trùng ve sầu, bổ dưỡng như các loại đông trùng hạ thảo nên đào bán và nấu ăn, không nghĩ là sẽ bị ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe như vậy.

Lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, theo lời kể của các bệnh nhân cho thấy, tình trạng người dân tại xã Cư KBang, huyện Ea Súp khai thác và ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu đang phổ biến.

Thậm chí, loại nấm này đang được rao bán trên mạng xã hội như một loại đông trùng hạ thảo sẽ hết sức nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc cho nhiều người.

Trước đó, vào ngày 26/5, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân ăn phải nấm độc dẫn đến ngộ độc trong tình trạng nguy kịch.

Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc nấm thường xuyên xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, thời tiết ở Đắk Lắk đã bước vào mùa mưa nên các loại nấm như nấm rơm, nấm mối và các loại nấm ngoài tự nhiên thường xuất hiện nhiều nên người dân sống ở khu vực nông thôn hoặc những vùng gần rừng núi thường có thói quen hái nấm mọc trong tự nhiên về ăn.

Do không phân biệt được nấm ăn được và nấm độc nên đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc phải đến bệnh viện cấp cứu.

Để phòng chống ngộ độc nấm và đặc biệt là nấm mọc từ ấu trùng ve sầu, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc, các loại nấm có màu sắc sặc sỡ, không nên nhầm lẫn nấm mọc từ ấu trùng ve sầu là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo.

Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, người dân cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Khi không may ăn phải nấm lạ có dấu hiệu ngộ độc nấm phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tin liên quan
Tin khác