Tăng cường các biện pháp phòng chống
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Ảnh minh hoạ. |
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thống kê từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 3 bệnh nhân tử vong.
Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn một cách đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Ngành y tế các địa phương chủ động và phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Ngành Y tế cũng tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Các đơn vị đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống; tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, TP chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay chân miệng và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện.
Các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Đồng thời, thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh, TP chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Tăng số ca nhập viện do viêm phổi mùa nắng nóng
Ngày 6/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, gần đây, bệnh viện ghi nhận số ca viêm phổi ở trẻ gia tăng đột biến, có những ca nhập viện trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh viêm phổi ở trẻ thường mắc rải rác quanh năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận số trẻ nhập viện điều trị vì viêm phổi tăng đột biến.
Từ đầu tháng 4 đến nay đã có khoảng 100 ca mắc, trong đó viêm phổi thùy chiếm 1/3 số ca viêm phổi. Đặc biệt, có nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do sự chủ quan của gia đình.
Đơn cử như bệnh nhi N.H.T.P. (5 tuổi) ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, vào viện ngày thứ 5 trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều đờm. Nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp trên bình thường nên gia đình tự điều trị tại nhà, cho trẻ uống kháng sinh không rõ loại.
Tình trạng bệnh không đỡ, ho nặng tiếng và tiếp tục sốt cao 39 – 40 độ C nên đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Qua thăm khám, bệnh nhi sốt, nghe phổi nhiều ran, chụp X-quang có đám mờ thùy giữa phổi phải, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi sức khỏe ổn định, hết sốt, ho ít, phổi đỡ ran, ăn uống tốt.
Viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một số thùy của một hoặc cả hai phổi. Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu là do vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2, ngoài ra kí sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy ở trẻ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi.
Nguyên nhân viêm phổi được xác định do vi khuẩn không điển hình xâm nhập và lây lan qua đường hô hấp. Thông thường bệnh viêm phổi xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây số ca viêm phổi tăng đột biến bất thường so với mọi năm.
Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm hơn khi thấy các con có các triệu chứng sốt ho đợt này.
Điện Biên ghi nhận ca bệnh than thứ 14 không rõ nguồn lây
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên, Trung tâm vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than; bệnh nhân chỉ mới 2 tuổi; là người tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Cụ thể, trường hợp mắc bệnh than thứ 14 được xác định là cháu T.T.Đ. (sinh năm 2021) địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước đó bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.
Sau 2 ngày xuất hiện trên cơ thể cháu Đ., nốt tím đen phát triển rộng hơn và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đi bó thuốc tại huyện Tủa Chùa nhưng không đỡ.
Sáng 4/6, người nhà mới đưa cháu T.T.Đ đến Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám. Chiều cùng ngày, cháu Đ. được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho rằng, trường hợp của bệnh nhân T.T.Đ là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh. Hiện, chưa xác định nguồn lây bệnh đối với cháu Đ.
Như Nhân Dân điện tử đã thông tin, trong vòng 9 ngày (từ 19 đến 27/5), cơ quan y tế tỉnh Điện Biên đã liên tục ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than tại 2 xã thuộc huyện Tủa Chùa là Mường Báng và Xá Nhè, với tổng số 13 người mắc bệnh, 119 người tiếp xúc gần.
Các ổ dịch bùng phát lần này xảy ra cùng thời điểm khá gần nhau; nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc người dân giết mổ, chế biến, ăn thịt gia súc (trâu, bò) chết.
Ngay khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại 3 ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã cử cán bộ phối hợp Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa tiến hành điều tra, xác minh ổ dịch bệnh than tại 2 xã Xá Nhè, Mường Báng; lập danh sách các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh than đề nghị đến điều trị tại các cơ sở y tế.
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa, chính quyền địa phương tổ chức phun khử trùng bằng Cloramin B tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, nơi giết mổ và các hộ gia đình chung quanh các ổ dịch.
Sở Y tế Điện Biên đã cử đoàn công tác, phối hợp Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa triển khai các biện pháp lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu trên trâu bò và môi trường (đất) để xét nghiệm.
Đến nay đã xác định các mẫu đất và trâu, bò đều dương tính với vi khuẩn bệnh nhiệt than. Các biện pháp xử lý môi trường đang được khẩn trương tiến hành.