Tổ chức uống bổ sung vitamin A và tẩy giun đợt 2/2022
Để tiếp tục triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A kết hợp với tẩy giun đợt 2 năm 2022 an toàn, hiệu quả, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị tổ chức Chiến dịch bổ sung uống vitamin A cho trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao.
Bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh, thành phố còn lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian bắt đầu từ ngày 1/12/2022.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động tổ chức triển khai Chiến dịch một cách phù hợp để bảo đảm tất cả trẻ trong độ tuổi được uống thuốc.
Triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A kết hợp tẩy giun đợt 2 năm 2022. Ảnh minh hoạ. Nguồn: LA34 |
Việc tổ chức triển khai Chiến dịch bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh và theo đúng hướng dẫn chuyên môn:
Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi đã hết các dấu hiệu chống chỉ định này.
Giữ trẻ lại theo dõi ít nhất 30 phút sau uống để bảo đảm an toàn cho trẻ.
Tổ chức cho trẻ uống bù (với những trẻ không được uống trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch) để bảo đảm không sót đối tượng.
Cục Y tế dự phòng yêu cầu tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Có thể lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng với các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn.
Đồng thời giao Viện Dinh dưỡng chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện chiến dịch, bảo đảm đủ cơ số thuốc để cung ứng cho các địa phương.
Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Y tế công cộng TP.HCM, Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Viện Dinh dưỡng trong việc hướng dẫn chuyên môn, tổ chức triển khai các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương báo cáo UBND tỉnh, thành phố về kế hoạch tổ chức chiến dịch của địa phương và chỉ đạo triển khai; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động nêu trên tại địa phương.
Còn nhiều tỉnh, thành tiêm vắc-xin Covid-19 chậm
Theo thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 7/11, số vắc-xin Covid-19 đã tiêm ở nước ta là 262.384.407 mũi.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi 3 được tổng số có 51.309.949 mũi (đạt 79,1%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (61,9%); Bình Định (58,6%); Phú Yên (61%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,8%); Sóc Trăng (98,0%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 16.512.566 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 84,6%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 là 5.506.937 trẻ (đạt tỷ lệ 64,3%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,7%); Phú Yên (31,7%); Bình Thuận (42,4%); TP. HCM (35,5%); Đồng Nai (42%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,3%); Lâm Đồng (93%); Sóc Trăng (99,3%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, sau gần 7 tháng triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này đạt 16.772.694, trong đó mũi 1: 9.876.357 trẻ (88,9%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa- Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)
Mũi 2 đã tiêm 6.896.337 trẻ (đạt tỷ lệ 62,1%)
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa- Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).
TP.HCM: Đề xuất mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất cho triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện trạm y tế cấp xã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 340 loại thuốc, trong đó có 50 loại thuốc dành cho các bệnh mạn tính không lây. Nếu so với bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế thiếu đến 40 loại cần thiết để điều trị các bệnh mạn tính không lây.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Danh mục bổ sung 40 loại thuốc dùng trong điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt; thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc điều trị suy tim; thuốc hạ lipid máu; insulin và nhóm hạ đường huyết; thuốc chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tất cả những loại thuốc này đã được Bảo hiểm xã hội TP.HCM đồng thuận, nhưng phải được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có ý kiến chỉ đạo.
Đà Nẵng: Số ca sốt xuất huyết tăng cao
Tính từ đầu năm đến ngày 6/11/2022, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 8.051 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16,5 lần so với năm 2021.
Trong tuần 44, từ ngày 31/10 đến ngày 6/11, Đà Nẵng ghi nhận thêm 458 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28,2% và có 34 ổ bệnh nhỏ, tăng 26,5% so với tuần trước. Cộng dồn năm 2022, địa phương ghi nhận 797 ổ bệnh, tăng 11,6 lần so với năm 2021.
Số ca mắc trung bình lên đến 320-340 ca/tuần, cao hơn ngưỡng trung bình từ tháng 10 đến tháng 11 (trong 5 năm từ 2016-2020) và cao hơn năm 2019 là năm có số ca mắc cao nhất.
Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2022 nhưng số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Những xã/phường ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết cao gồm: Hòa Minh, Hòa Hải, Hòa Quý, Hòa Khánh Bắc, Hòa Thọ Đông, Hòa Xuân, An Khê, Hòa Khánh Nam, Hòa Tiến, Mỹ An, Hòa Khê, Khuê Mỹ, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, không để dịch bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Trong đó, các ngành, địa phương xác định phòng, chống bệnh sốt xuất huyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn;
Khẩn trương, tích cực, chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”
Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống xuất huyết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng động, quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch.