Ngộ độc khí CO nguy hiểm thế nào?
Nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và cấp cứu cho 3 bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, khó thở, nghi bị ngạt khí khi đốt than trong phòng kín.
Một bệnh nhân ngộ độc khí CO điều trị tại cơ sở y tế. |
Các bệnh nhân gồm: Bà H.T.H. (59 tuổi), chị N.T.T.T. (27 tuổi) và bệnh nhi khoảng 15 ngày tuổi, đều trú ở xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi tiến hành thăm khám, các bệnh nhân được chuẩn đoán ngộ độc khí CO.
Trước đó, năm 2022 tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc người đàn ông tử vong nghi do đốt lửa sưởi ấm trong nhà. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ sáng 8/12, người dân phát hiện vụ cháy tại số nhà 19, ngách 36, ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Khi phát hiện vụ việc, người dân đã sử dụng nước dập tắt đám cháy.
Ngay sau đó, người dân phát hiện ông Nguyễn Chí D. (sinh năm1972, trú tại địa chỉ trên) đã tử vong. Theo lực lượng chức năng, bước đầu nhận định nguyên nhân vụ cháy nghi do ông D. đốt lửa sưởi ấm, gây ra cháy nhà.
Cũng trong năm 2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 3 người trong một gia đình ở huyện Tuần Giáo, Lai Châu nhập viện vì ngộ độc khí CO, khi đốt than tổ ong để sưởi ấm.
Được biết, theo phản ánh từ các cơ sở y tế, mỗi năm vào mùa lạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngộ độc CO do đốt củi, than hoa, than tổ ong, dùng bếp gas... trong phòng kín và gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, hồi đầu năm 2023, hai vợ chồng ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá tử vong do đốt than sưởi ấm trong phòng kín.
Nói về nguy hiểm của ngộ độc CO, TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.
Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào trạng thái tử vong.
Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và cướp mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.
Chuyên gia cảnh báo khi hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Do đó, chuyên gia chống độc khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.
Để tránh hệ lụy đáng tiếc, chúng ta chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc.
Đồng thời, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim. Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng thì có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như che chắn kỹ các phòng; chăn đệm, trang phục phải đủ ấm, chắn được gió lùa...; dùng đèn sưởi, quạt sưởi.
Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không khí trong lành để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Chuyển giao kỹ thuật điều trị ung thư phổi hiện đại
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 với tỷ lệ mắc mới khoảng 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan.
Đặc biệt, vẫn còn rất nhiều người khi phát hiện ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, tốn kém. Vừa qua, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến nhất trong chẩn đoán ung thư phổi từ chuyên gia Nhật Bản, mang đến rất nhiều hy vọng và cơ hội cho người bệnh.
Cụ thể, Bệnh viện 19-8 mời TS.BS Masao Hashinmoto, Bệnh viện Trung tâm Quốc gia về sức khỏe và Y khoa toàn cầu (Nhật Bản) đến để chuyển giao kỹ thuật nội soi siêu âm EBUS trong chẩn đoán, thực hành trên mô hình. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ Việt Nam sinh thiết được hạch trung thất rất nhỏ dưới 1mm, đặc biệt những bệnh lý về hạch lao mà những biện pháp thông thường không tiếp cận được.
Điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa cho các bác sĩ lâm sàng trong việc định hướng chẩn đoán ung thư phổi, đặc biệt là chẩn đoán sớm ung thư phổi, đánh giá giai đoạn ung thư phổi.
Nội soi siêu âm phế quản EBUS là kỹ thuật hiện đại nhất trong y học thế giới hiện nay, phát hiện được hạch trung thất chưa đến 1mm, khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng.
Điều này giúp bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 1), mang đến rất nhiều triển vọng kéo dài tuổi thọ.
Bệnh viện 19-8 cử kíp bác sĩ sang Nhật đào tạo để có chứng chỉ, về triển khai trực tiếp trên bệnh nhân. Kỹ thuật này giảm thiểu tai biến của những thủ thuật mà lâu nay vẫn làm, còn mang lại hiệu quả tốt như sau khi lấy bệnh phẩm ra, đọc tiêu bản ngay tại chỗ, định hướng được các nhóm hạch để chẩn đoán giai đoạn bệnh rất sớm.
Ngoài ra, qua nội soi siêu âm có thể hóa phẫu đông tại khối u, hiệu quả tốt, ít tai biến toàn thân.