Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 1/1/2024: Nguy cơ tăng nặng nếu đồng mắc cúm và Covid-19
D.Ngân - 01/01/2024 09:04
Chuyên gia cảnh báo khi đồng nhiễm mắc cúm và Covid-19, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.

Nguy cơ nặng hơn nếu đồng mắc cúm và Covid-19

TS.Lê Bá Ngọc, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định, Covid-19 vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn khỏi cộng đồng.

Chuyên gia cảnh báo khi đồng nhiễm mắc cúm và Covid-19, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.

Hiện nay, mỗi tuần, cơ sở vẫn ghi nhận 3-4 người bệnh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, có những trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, phải nhập viện điều trị.

Còn theo PGS-TS.Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện hầu hết người dân nếu mắc Covid-19 cũng đều tự điều trị.

Tuy nhiên, hậu quả Covid-19 vẫn rất đáng ngại với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhất là sau một thời gian đủ dài làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19.

Theo bác sĩ Lê Bá Ngọc, triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19 cũng tương tự các dòng cúm mùa khác như mệt mỏi, ho, sốt, khạc đờm, khàn tiếng… khiến nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời.

Đây là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh diễn tiến nặng, thậm chí tử vong khi người bị bệnh nền, người suy giảm miễn dịch bị đồng nhiễm, bội nhiễm virus SARS-CoV-2 và các loại virus, vi khuẩn khác.

PGS-TS.Phạm Quang Thái cũng cho biết, với các yếu tố gây bệnh cùng xuất hiện đồng thời thì nguy cơ đồng nhiễm là hiện hữu. Và khi đồng nhiễm, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.

Điều này không chỉ xảy ra khi đồng nhiễm Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác như sốt xuất huyết hay Adenovirus.

Chuyên gia này cũng nhận định, thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay là nguyên nhân làm xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm như: Cúm, sởi, rubella, ho gà...

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp. Những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như phổi tắc nghẽn, hen phế quản… sẽ dễ trở nặng khi trời lạnh giá.

Bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể. Hiện nay, hầu như người dân không còn tiêm vắc-xin Covid-19, nhưng các bệnh truyền nhiễm khác có vắc-xin phòng bệnh nên người dân chủ động tiêm để tạo miễn dịch chéo, bảo vệ chính mình. Nên tránh nơi đông người, đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh hô hấp hoặc giữ vệ sinh cá nhân cũng sẽ giúp phòng bệnh.

Cúm và Covid-19 đều là những bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, do đó việc phòng ngừa và chẩn đoán cả 2 bệnh này đều nên được quan tâm.

Để giảm nguy cơ nhiễm virus gây ra Covid-19, cảm lạnh và cúm bằng cách tuân theo một số biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn. Các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để giảm nguy cơ mắc Covid-19, cảm lạnh và cúm bao gồm:

Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn có chứa ít nhất 60% cồn.

Tránh không gian đông đúc trong nhà. Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.

Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Làm sạch và khử trùng các bề mặt dễ tiếp xúc, như tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử... Tiêm phòng cúm hàng năm và khi có thể hãy tiêm phòng covid-19.

Cung ứng vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 224/NQ-CP về việc bảo đảm kinh phí mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nghị quyết nêu rõ bố trí ngân sách nhà nước năm 2024 bảo đảm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn tổ chức trương mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật; việc quản lý, sử dụng vắc-xin bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em.

Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng, đảm bảo đúng quy định.

Năm 2023, thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân được Bộ Y tế lý giải, năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vắc-xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...

Trước tình hình này, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc-xin. 

Tuy nhiên, đến cuối năm nay, nhiều địa phương vẫn kêu cạn kiệt vắc-xin, đặc biệt là hết vắc-xin 5 trong 1.

Cuối tháng 12/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận 490.600 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Chính phủ Úc tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF).

Số vắc-xin này vừa được phân bổ về 63/63 tỉnh, TP và bắt đầu triển khai tại các trạm y tế xã phường trên cả nước ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024.

Vắc-xin sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi, sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib.

Tin liên quan
Tin khác