Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 21/11: Những điểm mới trong phòng, chống đại dịch HIV tại Việt Nam
D.Ngân - 21/11/2024 09:31
Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có nhiều điểm mới liên quan công tác chống dịch này tại Việt Nam.

Sáu điểm mới trong phòng, chống đại dịch HIV tại Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)…

Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)… có nhiều điểm mới liên quan công tác chống dịch này tại Việt Nam.

Một số điểm mới của Nghị định như hướng dẫn đầy đủ nội dung quy định chi tiết khoản 6 và khoản 9 Điều 1 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, về việc cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.

Trước hết, Nghị định quy định cần tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ;

Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ;

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, quy định đầy đủ các biện pháp và đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo việc mở rộng các giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV và cụ thể hóa các nhóm đối tượng cần can thiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi về tình hình dịch tễ HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi theo như quy định của khoản 7 Điều 1 Luật HIV 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật HIV 2006).

Thứ ba, việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế cần phải thay đổi.

Thực tiễn phát sinh 3 nhóm đối tượng được cấp thuốc ARV miễn phí gồm có người bị phơi nhiễm, người bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;

Trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.

Việc thay đổi này nhằm đảm bảo độ bao phủ cho các nhóm đối tượng trên được tiếp cận với thuốc ARV, thể hiện được tính ưu việt của xã hội, nhà nước và phù hợp với khoản 13 Điều 1, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

Thứ tư, sửa đổi một số quy định đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP đồng bộ thống nhất với quy định đã thay đổi tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời đưa nội dung quy định về cấp phát thuốc thay thế nhiều ngày vào Nghị định tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai mở rộng ra toàn quốc trong thời gian tới.

Thứ năm, về hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng quy định phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu về cắt giảm thủ tục hành chính.

Việc quy định hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Thông tư liên tịch là không còn phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.

Thứ sáu, một số quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức hoạt động của cơ sở điều trị thay thế, cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính thay đổi cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và an toàn sinh học; đồng thời, quy định bổ sung về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục chỉ định, điều chỉnh giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tham chiếu trước đây chưa được quy định tại Nghị định số 75/2016/NĐ-CP.

Từ năm 2025, bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện

Theo bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), trong những năm qua, thuốc luôn là cấu phần quan trọng và luôn chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Hiện nay, việc ban hành Danh mục và quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc đang được thực hiện theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bà Nữ Anh cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 20 bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Y tế ban hành Thông tư 37 nhằm khắc phục những tồn tại trên và từ 1/1/2025 các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước thực hiện theo Thông tư mới này.

Theo đó, Thông tư 37 có nhiều điểm mới, cụ thể, trước đây, thuốc được sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện bao gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật bao gồm: Các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Việc không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện có ưu điểm là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.

Việc này cũng khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc.

Không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện cũng góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm bớt tình trạng quá tải tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao.

Thông tư mới cũng bổ sung các quy định mới về hướng dẫn thanh toán thuốc như quy định thanh toán đối với thuốc tại trạm y tế xã, góp phần tăng cường tiếp cận thuốc cho người bệnh mắc các bệnh lý mãn tính khi được quản lý, điều trị tại trạm y tế, đồng thời tạo cơ chế tài chính khuyến khích sự phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ tại trạm y tế xã.

Hay quy định thanh toán đối với thuốc điều trị bệnh mạn tính khi người bệnh đang trong thời gian điều trị nội trú bệnh lý khác, nhằm bảo đảm người tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận sử dụng liên tục và bảo đảm quyền lợi về thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc.

Ngoài ra còn có quy định thanh toán thuốc trong trường hợp đặc biệt, góp phần tạo tính linh hoạt trong những tình huống đặc biệt như trong trường hợp thiên tai, chiến tranh, thảm họa.

Theo lãnh đạo Vụ bảo hiểm y tế, các quy định mới này sẽ giúp bổ sung các trường hợp được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nhằm tăng cường tiếp cận thuốc, linh hoạt trong hướng dẫn thanh toán cho người bệnh, tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh được chi trả những chi phí thuốc mà trước kia chưa được thanh toán do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Từ đó, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời tạo cơ chế tài chính thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tỷ lệ đột quỵ, tăng huyếpơ áp ngày càng trẻ hóa

Theo GS.Alta Schutte, Trưởng nhóm nghiên cứu về Tim mạch, Mạch máu và Chuyển hóa tại Khoa Y Đại học New South Wales, Australia, 1,4 tỷ người trên thế giới mắc tăng huyết áp, trong khi đây là nguyên nhân chính của các cơn đột quỵ. 

Khi nói đến việc phòng ngừa đột quỵ và các bệnh tim mạch, quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tăng huyết áp. Dù đã có rất nhiều bước tiến, nhưng chúng ta vẫn chưa thể cải thiện đáng kể các vấn đề trong phòng và điều trị các bệnh tim mạch cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Còn theo GS. Valery Feigin, Giám đốc Viện Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia thuộc Đại học Công nghệ Auckland (NISAN) (New Zealand), các yếu tố về lối sống không lành mạnh đang thường bị bỏ qua khi đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các biện pháp phòng ngừa CVDs đang tập trung chủ yếu cho nhóm người có nguy cơ cao, nhưng có đến 80% các ca đột quỵ và biến cố tim mạch xảy ra ở nhóm người có nguy cơ từ thấp đến vừa, chính vì nhóm nguyên nhân này.

Thừa cân, béo phì và chế độ ăn thiếu chất xơ, uống nhiều nước ngọt và đồ uống có cồn dẫn đến tăng huyết áp và các rối loạn chuyển hóa. Điều này kéo theo nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch.

Vị chuyên gia trong top 1% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong mọi lĩnh vực đồng thời cho biết đây là lối sống thường thấy ở trẻ em và thanh thiếu niên.

GS. Alta Schutte, tác giả của hơn 400 bài báo khoa học trong lĩnh vực huyết áp và bệnh tim mạch, đưa ra ý kiến tương đồng.

Theo GS. Alta Schutte, ngày càng nhiều trẻ em và người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 mắc tăng huyết áp, bệnh mà trước đây chúng ta chỉ thấy ở người từ 60 tuổi trở lên. Mắc tăng huyết áp sớm hơn, đồng nghĩa với nguy cơ khởi phát đột quỵ sớm hơn, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống.

Thêm nữa, GS.Schutte nhấn mạnh rằng tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ rệt, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm và điều trị đột quỵ.

Bà chỉ ra rằng một nửa số người mắc tăng huyết áp thậm chí không biết mình mắc bệnh và họ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận và sa sút trí tuệ. 

Hơn 75% trong số này đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình. Như vậy nghĩa là chúng ta cần cải thiện tình hình không chỉ ở những nơi có điều kiện tốt, mà còn ở các quốc gia có điều kiện khó khăn hơn.

Tin liên quan
Tin khác