Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 27/11: Dịch sốt xuất huyết lại tăng
D.Ngân - 27/11/2024 09:41
TP.HCM ghi nhận 698 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong tuần qua, tăng 1,8% so với trung bình 4 tuần trước.

TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết lại tăng

Ngày 26/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn đến hết tuần 47 của năm 2024.

Ảnh minh họa

Cụ thể, từ ngày 18 đến 24/11 (tuần 47), TP.HCM ghi nhận 698 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1,8% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca sốt xuất huyết tích luỹ từ đầu năm 2024 đến tuần 47 là 12.760 ca. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm các quận 1, 7 và TP. Thủ Đức. Đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo HCDC, nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi và gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện diện ở mọi nơi từ nội thành đến ngoại thành và ở tất cả địa phương. Do đó, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng nếu các cấp, các ngành không có những biện pháp quyết liệt.

Trong tuần 47, TP.HCM cũng ghi nhận 266 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 34,6% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích luỹ từ đầu năm 2024 đến tuần 47 là 15.696 ca. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh.

Với bệnh sở̀i, trong tuần 47, TP.HCM ghi nhận 238 ca mắc, tăng 41,9% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sở̀i tích luỹ từ đầu năm 2024 đến tuần 47 là 2.104 ca. Các địa phương có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.

Theo Sở Y tế TP.HCM, gần đây, vắc xin sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vắc xin là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Cùng với đó, các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt cần được duy trì.

Năm 2025: Thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Trong 30 cuộc thanh tra của Bộ Y tế trong năm 2025 có thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3552/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch thanh tra năm 2025.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ Y tế sẽ gồm có 30 cuộc thanh tra. Trong đó Thanh tra Bộ Y tế có 25 cuộc; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có 5 cuộc.

Mục đích đặt ra của kế hoạch này là đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về y tế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong 30 cuộc thanh tra có 3 cuộc liên quan đến lĩnh vực dân số. Cụ thể là thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, các quy định của pháp luật để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên; việc thực hiện đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản đến năm 2030”; việc thực hiện “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng có 5 cuộc thanh tra, gồm: Thanh tra về bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn sinh học phòng xét nghiệm và tiêm chủng tại một số cơ sở y tế, quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng, công tác kiểm dịch y tế biên giới và hoạt động tiêm chủng.

Về lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế có 6 cuộc, gồm: Thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y.

Lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có 6 cuộc, gồm: Thanh tra công tác tiếp nhận, thẩm định cấp chứng nhận hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược…; quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc và thuốc kiểm soát đặc biệt; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế.

Riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có 2 cuộc, gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư có 6 cuộc và 2 cuộc xử lý sau thanh tra.

Số lượng tiểu cầu tăng bao nhiêu là nguy hiểm?

Số lượng tế bào tiểu cầu tăng cao hơn mức bình thường (vượt ngưỡng 450,000 tế bào/mcL) có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và người bệnh cần được điều trị kịp thời.

Bệnh tăng tiểu cầu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như gây tắc mạch máu: Tăng tiểu cầu nguyên phát nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây hình thành huyết khối bên trong lòng mạch, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Huyết khối có thể hình thành bên trong lòng mạch máu vừa và lớn như tĩnh mạch sâu, mạch máu não, mạch ngoại biên, mạch vành…

Gây xuất huyết: Xuất huyết là biến chứng phổ biến ở người bệnh tăng tiểu cầu tiên phát. Bệnh có thể gây hình thành huyết khối, sử dụng triệt để số lượng tiểu cầu có trong máu, dẫn đến thiếu hụt tế bào tiểu cầu. Khi đó, lượng tiểu cầu không đủ để cầm máu các vết thương trong cơ thể, gây xuất huyết ồ ạt.

Rối loạn vận mạch não: Lượng tiểu cầu tăng cao bất thường có thể dẫn đến tình trạng rối loạn vận mạch não, gây khởi phát các triệu chứng như đột ngột giảm thị lực, đau đầu, tê bì ngón chân và ngón tay…

Bệnh tăng tiểu cầu có nguy hiểm không? Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu gồm:

Nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát có thể liên quan đến yếu tố di truyền gen đột biến (ví dụ như gen JAK2).

Nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu thứ phát bắt nguồn từ các rối loạn, bệnh lý trong cơ thể, chẳng hạn như rối loạn máu, ung thư, thiếu máu, chấn thương, nhiễm trùng, suy thận, lách bị tổn thương hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ…

Mục tiêu của phác đồ điều trị tăng tiểu cầu nguyên phát là kiểm soát triệu chứng và làm giảm lượng tiểu cầu. Để đạt được mục tiêu chữa trị này, bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị gồm:

Dùng thuốc Aspirin liều thấp: Để ngăn chặn nguy cơ hình thành huyết khối, bác sỹ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc Aspirin liều thấp.

Dùng thuốc giúp làm giảm lượng tiểu cầu: Bác sỹ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp ức chế sự sản sinh tiểu cầu của tủy xương như Anagrelide (Agrilyn®), Hydroxyurea (Siklos®, Droxia®, Hydrea®, Mylocel®…)…

Thực hiện thủ thuật gạn tách tiểu cầu: Bác sỹ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thủ thuật gạn tách tiểu cầu để ngăn chặn nguy cơ tình trạng tiểu cầu tăng cao quá mức kiểm soát.

Nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thứ phát bắt nguồn từ các tác nhân như bệnh lý, rối loạn trong cơ thể. Vì vậy, tình trạng tăng tiểu cầu thứ phát sẽ có xu hướng tự thuyên giảm sau khi nguyên nhân gây bệnh được chữa trị hiệu quả.

Một số lưu ý cho người bệnh tăng tiểu cầu, theo bác sỹ Nguyễn Quốc Thành, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người bệnh nên tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan. Để đảm bảo sức khỏe và tối ưu hiệu quả điều trị, người bệnh tăng tiểu cầu cần lưu ý một số vấn đề sau:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tái khám đúng lịch hẹn để quản lý tốt các rối loạn, bệnh lý nền tiềm ẩn nguy cơ gây tăng tiểu cầu. Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, sử dụng thuốc đúng như chỉ định của bác sĩ.

Duy trì lối sống khoa học bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thường xuyên rèn luyện thể chất, không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu - bia, không thức khuya…

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng, ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa, bổ sung thực phẩm có lợi (trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt, các loại cá béo, thịt nạc…), hạn chế dung nạp thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe (thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chứa cồn…)…

Thông báo ngay cho bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường. Để tình trạng tăng tiểu cầu được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, mỗi người nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 2 lần mỗi năm.

Tin liên quan
Tin khác