Thí điểm kinh doanh thuốc lá mới: Bộ Công thương đề xuất trong 2 năm, Bộ Y tế đề nghị cấm hoàn toàn
Theo Bộ Y tế, nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý. Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp, nhưng tỷ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới.
Ảnh minh họa |
Việc đề xuất thí điểm chỉ tiếp cận từ góc độ kinh doanh, chưa nghiên cứu thấu đáo từ góc độ bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội là chưa toàn diện. Thí điểm một sản phẩm gây nghiện, nhưng không có giải pháp cho việc giải quyết các hệ lụy sức khỏe, xã hội và những hệ quả sau khi kết thúc thí điểm.
Theo Vụ Pháp chế, từ năm 2020-2021, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên các căn cứ khoa học, điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì thế, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe, các nguy cơ, tác hại lâu dài còn chưa được nhận biết. Bộ Y tế đề nghị cấm hoàn toàn thuốc lá mới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Một Nghiên cứu tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu, tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.
Báo động tình trạng y, bác sĩ xin nghỉ việc tại các tỉnh miền Tây
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra tình trạng hàng loạt các y, bác sĩ xin nghỉ việc.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cần Thơ đã có 111 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Bệnh viện Huyết học - Truyền Máu Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ có cùng số lượng là 17 người xin nghỉ việc. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ có 9 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên và 1 viên chức y tế khác đều xin nghỉ việc. Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ có 7 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 kỹ thuật y cũng xin nghỉ việc.
Tại An Giang, từ năm 2020 đến nay có 439 thầy thuốc nghỉ việc tất cả các cơ sở y tế nhà nước. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có 29 thầy thuốc nghỉ việc. Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc có 74 người, Bệnh viện Sản - nhi có 39 người... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang cũng có đến 9 người nghỉ việc.
Số bác sĩ nghỉ việc, năm sau cao hơn năm trước, năm 2020, An Giang có 141 thầy thuốc nghỉ việc. Đến năm 2021 con số này tăng lên 152, và hơn nửa năm 2022 đã lên đến 146 người. Trong đó, đa số là thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề. Trong số thầy thuốc nghỉ việc gần 3 năm qua, có đến 110 người có trình độ bác sĩ và 193 người có trình độ điều dưỡng hoặc y sĩ (gần 70% người dưới 40 tuổi).
Tại Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 51 trường hợp viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Bệnh viện Sản nhi có 12 người, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.
Theo Sở Y tế Vĩnh Long, có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc. Trung tâm Y tế TP.Vĩnh Long có số lượng nghỉ nhiều nhất với 12 người, kế đến là Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 8 người...
Chương trình “Giọt hồng tri ân” dự kiến thu 3.000 đơn vị máu
Trong 6 ngày từ 26-31/7/2022, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu "Giọt hồng tri ân", dự kiến thu được 3.000 đơn vị máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và 3 điểm hiến máu cố định: số 26 Lương Ngọc Quyến, số 10 - ngõ 122 đường Láng và Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Đây cũng là sự kiện nằm trong chiến dịch Hành trình Đỏ lần thứ 10 năm 2022 đang diễn ra tại 46 tỉnh/thành phố trên cả nước. Chính thức khởi động từ ngày 2/6/2022 tại tỉnh Cà Mau, đến nay, Hành trình Đỏ đã được tổ chức thành công tại 43 tỉnh/thành phố, tiếp nhận được hơn 100.000 đơn vị máu.
Năm nay, chương trình dự kiến vận động 4.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận 3.000 đơn vị máu. Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã tập hợp, tuyển chọn và tập huấn cho 500 tình nguyện viên để đảm bảo công tác tổ chức tiếp nhận máu, chăm sóc người hiến máu diễn ra an toàn, chu đáo.
Được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, chương trình cũng mong muốn thể hiện tình cảm biết ơn của thế hệ trẻ đối với công lao của các thế hệ đi trước bằng nghĩa cử cao đẹp; góp phần giáo dục và định hướng cho giới trẻ về lối sống lành mạnh, biết yêu thương và chia sẻ với cộng đồng.
Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội đã tập hợp, tuyển chọn và tập huấn cho 500 tình nguyện viên để đảm bảo công tác tổ chức tiếp nhận máu, chăm sóc người hiến máu diễn ra an toàn, chu đáo.
Kiểm điểm Sở Y tế Gia Lai liên quan mua kít test Covid-19
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai có thông báo xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Gia Lai trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện mua sắm kít xét nghiệm Covid-19. Yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục những khuyết điểm, vi phạm.
Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy Sở Y tế thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ, để Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) có một số khuyết điểm, vi phạm trong việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19.
Trong tháng 7-2021, trong lúc khẩn cấp thiếu sinh phẩm xét nghiệm, CDC Gia Lai đã mượn 960 kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và sau đó đã mua trả cùng loại kít xét nghiệm (tổng số tiền mua hoàn trả là 451 triệu đồng, giá 470.000 đồng/kít).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Sở Y tế chưa chấp hành nghiêm Quy chế làm việc, Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 22.3.2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan.
Thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý, đôn đốc tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, để Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) có một số khuyết điểm, vi phạm trong việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19. Trước những vi phạm nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.