Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 30/4: Hoại tử chỏm xương đùi do uống nhiều rượu
D.Ngân - 30/04/2024 09:52
Anh Hải, 25 tuổi, hoại tử chỏm xương đùi hai bên do thường xuyên uống nhiều rượu, được thực hiện phẫu thuật thay khớp háng.

Hậu quả khi lạm dụng rượu

Anh Hải có thói quen thường xuyên uống nhiều rượu. 2 năm trở lại đây anh bắt đầu nhận thấy những cơn đau mỏi ở vùng hông. Cơn đau tăng nặng theo thời gian làm hạn chế sinh hoạt thường ngày và ảnh hưởng tới công việc. Anh Hải làm nghề lái xe, cảm thấy đau nhức mỗi lần lên xuống xe.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, anh cũng không thể đi xe máy, ngồi ăn cơm không thể khoanh chân mà phải chống chân, thường xuyên mất ngủ do đau đớn tăng nặng về đêm. Khi nghỉ ngơi thì cơn đau giảm bớt song sẽ trở lại ngay khi hoạt động nhiều. Thời gian gần đây, mặc dù đã uống nhiều loại thuốc điều trị, các cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn khiến anh Hải gần như không thể đi lại.

Từ Sơn La, anh Hải vượt đường xa tới Hà Nội thăm khám. Bác sĩ kết luận anh bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối, thoái hóa khớp thứ phát không đáp ứng thuốc, lún sụp đầu xương đùi, vậy nên chỉ định mổ thay khớp háng hai bên.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, hoại tử chỏm xương đùi chủ yếu xảy ra ở nam giới, chiếm 80%, với độ tuổi thường gặp nhất là 40 - 50.

Tuy nhiên, hiện nay bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng tăng, thậm chí dưới 30 tuổi đã phải thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố lạm dụng rượu, thuốc lá, các loại thuốc chứa corticoid hoặc các bệnh tự miễn.

Ở trường hợp bệnh nhân Hải, rượu là nguyên nhân chính gây tổn thương. Bệnh nhân còn trẻ, hoạt động thường mạnh mẽ nên nhu cầu cung cấp máu cho chỏm xương đùi rất lớn. Người bệnh uống nhiều rượu trong thời gian dài, khoảng 300 - 1.500 ml/ngày, đặc biệt là các loại rượu chưa loại bỏ hết độc tố, gây nhiễm độc, làm tắc các mao mạch nuôi chỏm xương đùi.

Các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu dẫn đến hoại tử dần. Vùng hoại tử ban đầu là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, dần dần gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, làm mất chức năng khớp háng, nặng nề nhất là tàn phế.

Việc thay khớp cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi đối diện với nguy cơ lớn nhất là mòn khớp, dẫn đến lỏng khớp và có khả năng phải mổ thay lại khớp mới. Vậy nên ca phẫu thuật thay khớp lần đầu tiên đòi hỏi kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo đặt chính xác vị trí các cấu phần khớp.

Hiện nay, các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn (như đường mổ DAA, ABMS, Bikini, Superpath…) kết hợp với sự phát triển của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp rút ngắn thời gian phục hồi, nhờ đó bệnh nhân chỉ cần ở lại viện theo dõi 1 đêm sau phẫu thuật, hôm sau có thể về nhà.

Bác sĩ Quyền chỉ định sử dụng thuốc giảm đau phù hợp và đúng thời điểm, nhờ vậy đêm đầu tiên sau phẫu thuật anh Hải đã có thể ngủ trọn giấc tới sáng.

Hai tuần sau mổ, anh Hải cảm nhận các cơn đau gần như biến mất, anh đã có thể đi lại không cần sử dụng nạng chống và tự thực hiện được các sinh hoạt hàng ngày, thậm chí tự lái xe máy.

Theo bác sĩ Quyền, đối với các bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn cuối, dù tuổi đời còn trẻ song việc thay khớp háng là giải pháp duy nhất để chấm dứt các cơn đau mãn tính và khôi phục vận động. Vậy nên, việc phòng bệnh là điều thực sự cần thiết.

Mọi người nên hạn chế tối đa rượu bia, bỏ thuốc lá; chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau củ quả và hạn chế dầu mỡ; kiểm soát các bệnh nội khoa như huyết áp, lipid máu, đường huyết…; không lạm dụng các loại thuốc chứa corticoid.

Trong giai đoạn sớm hoại tử chỏm xương đùi có thể điều trị thành công bằng thuốc hoặc phẫu thuật khoan giảm áp theo chỉ định của bác sĩ.

Đột ngột ngừng tim khi đang chơi cầu lông

Đang chơi cầu lông cùng bạn, người đàn ông 41 tuổi xuất hiện đau ngực, sau đó vài phút thì ngừng tim phổi.

Tai nạn xảy ra vào đầu tháng 4 với anh N.T.T. (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Ngay sau đó, anh T. được bạn bè cấp cứu ngừng tim phổi bằng ép tim, thổi ngạt và đưa vào khoa cấp cứu Nội, Hồi sức nội, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội).

Tại đây, bệnh nhân T. lại tiếp tục bị rung thất, ngừng tuần hoàn hai lần. Sau mỗi lần cấp cứu khoảng 20 phút, tim của anh T. đập trở lại.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn với các chuyên khoa Hồi sức, Nội Tim mạch, Can thiệp Tim mạch.

Anh T. được chẩn đoán trạng thái sau hồi sinh, ngừng tim phổi do nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh sau khi vào khoa vẫn tiếp tục rung thất nhiều lần, được hồi sinh tổng hợp, sốc điện cấp cứu, thở máy và dùng thuốc vận mạch liều cao.

Các chuyên gia từ nhiều chuyên khoa tham gia hội chẩn cấp cứu quyết định lựa chọn phương pháp điều trị vừa hồi sức tích cực, vừa can thiệp tái thông động mạch vành, tranh thủ từng phút để cứu người bệnh.

Kết quả chụp động mạch vành cấp cứu cho thấy tổn thương từ thân chung động mạch vành trái (đây là động mạch lớn nhất nuôi cho cơ tim) kèm theo hẹp nặng và nhiều cục máu đông.

Ê-kíp kỹ thuật tiến hành can thiệp đặt giá đỡ động mạch (stent) cho anh T. Ngay sau can thiệp, các chỉ số mạch và huyết áp người bệnh nhanh chóng ổn định, giảm được các thuốc vận mạch và không xuất hiện các rối loạn nhịp thất nguy hiểm.

Tại Khoa Hồi sức nội, bệnh nhân này tiếp tục được theo dõi và chăm sóc bằng an thần, thở máy và các biện pháp bảo vệ não. Sau 2 ngày, người bệnh tỉnh, tự thở, được rút ống nội khí quản và hồi phục sức khỏe rất nhanh. Hiện bệnh nhân T. được xuất viện.

TS.Trần Đức Hùng, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch cho biết, rối loạn nhịp thất rất nguy hiểm. Ngừng tuần hoàn là một trong các biến chứng rất nặng của bệnh nhồi máu cơ tim cấp, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp của bệnh nhân T. rất may mắn được cứu sống nhờ được cấp cứu tại chỗ kịp thời, bác sĩ can thiệp thành công.

Được biết, sau một số ca tử vong do chơi thể thao vừa qua, chuyên gia khuyến cáo, để biết bản thân có tham gia được một bộ môn nào không, mỗi người nên có ý thức đánh giá sức khỏe bản thân.

Bác sĩ Ngô Tiến Thái, Bệnh viện Bạch Mai, bất cứ vận động viên nào, dù phong trào hay chuyên nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về sức khỏe và sự tập luyện trước cuộc thi để phòng rủi ro. Tập luyện sức khỏe là tốt, tuy nhiên cần phải có cường độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân.

Mỗi người dân trước khi đến với một môn thể nào nên khám sàng lọc sức khỏe để biết tình trạng sức khỏe ra sao, tham vấn bác sĩ xem liệu khả năng sức khỏe có phù hợp với môn thể thao mình lựa chọn, tập luyện ở mức nào.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, rủi ro trong thể thao luôn có nguy cơ xảy ra, ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp. Do đó, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập, ngay trong cuộc đua, mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự điều chỉnh tốc độ chạy phù hợp với bản thân trong quá trình gắng sức.

Nếu trong quá trình chạy, thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường, cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường... là những dấu hiệu cảnh báo người dân nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kỹ lưỡng.

Theo các chuyên gia y tế, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại....

Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần có kế hoạch tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe trước các giải thể thao để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro. Đồng thời, không nên chạy theo trào lưu để đăng ký một cự ly vượt khả năng của bản thân.

Thực tế có nhiều người khi chơi thể thao không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não...

Các bác sĩ lưu ý, trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Người dân có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…

Theo chuyên gia, tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, ngay cả người có bệnh tim vẫn được khuyên nên vận động nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Điều quan trọng mỗi người phải tập thể dục trong giới hạn của mình. Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục, thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.

Trong khi tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác