Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 4/1: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có người quản lý mới
D.Ngân - 04/01/2024 10:09
TS.Mai Trọng Hưng vừa được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ông có học vị tiến sĩ, sinh năm 1971, quê Thanh Hóa là Phó giám đốc Bệnh viện.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có người quản lý, điều hành mới

Sau khi GS-TS.Nguyễn Duy Ánh được Bộ Y tế điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ ngày 2/1 TS.Mai Trọng Hưng được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. TS. Mai Trọng Hưng, sinh năm 1971, quê Thanh Hóa là Phó giám đốc Bệnh viện.

TS. Mai Trọng Hưng nhận quyết định từ Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Sau hơn 40 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát triển từ bệnh viện hạng 2, thành hạng 1 và hiện tại là bệnh viện tuyến cuối về sản phụ khoa của cả nước.

Bệnh viện cũng trở thành cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu thủ đô, đa dạng hoá dịch vụ, nâng chất lượng khám chữa bệnh, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng triển khai được nhiều kỹ thuật cao, rất khó trong lĩnh vực sản khoa như can thiệp trong buồng ối để cứu chữa cho nhiều thai nhi, phát triển chẩn đoán và sàng lọc trước sinh.

Với kỹ thuật đỉnh cao phát triển y học bào thai từ năm 2019 đến năm 2023, Bệnh viện đã thực hiện thành công 941 ca can thiệp bào thai, cứu sống hàng nghìn trẻ.

Năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đón tiếp 330.000 lượt khám ngoại trú với khoảng 55.000 trường hợp điều trị nội trú, trong đó thực hiện đỡ đẻ cho 30.000 sản phụ, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh đạt 93%.

Cảnh báo người dùng không sử dụng viên nang Linsen Double Caulis

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền nhận được Công văn số 1084/VKNT- KHTH ngày 18/12/2023, kèm theo phiếu kèm phiếu kiểm nghiệm số 0677/VKN- KT2023 về mẫu sản phẩm viên nang Linsen Double Caulis: Số lô: 907759 E; hạn dùng: 08/03/2028; Số đăng ký: không có; nơi sản xuất: WELIP (M) SDN.BHD.Malaysia, không có thông tin cơ sở nhập khẩu; không đạt yêu cầu chất lượng, phát hiện Piroxicam và Dexamethason có trong thành phần công thức.

Mẫu sản phẩm do Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM mua qua trang Web nhathuocviet24h.com, CT10A khu đô thị Đại Thanh, Thanh trì, TP.Hà Nội.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông tin tới các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Viên nang Linsen Double Caulis (Số lô: 907759 E; Hạn dùng: 08/03/2028; nơi sản xuất: WELIP (M) SDN. BHD, Malaysia.

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thuốc cổ truyền, dược liệu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu giả, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.

Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý xin gửi về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, trước ngày 29/1/2024 để thông báo rộng rãi cho người sử dụng biết, tránh sử dụng thuốc giả, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Điều tra vụ tử vong sau truyền dịch tại Nghệ An

Sở Nghệ An vừa có công văn yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn báo cáo cụ thể trường hợp bệnh nhân N.M.P, 13 tuổi, tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Giám đốc Sở Y tế yêu cầu đơn vị trên báo cáo nhanh diễn biến sự việc với Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An; kịp thời chia sẻ, động viên người nhà có bệnh nhân tử vong.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn xem xét lại toàn bộ quá trình tiếp đón, theo dõi, chẩn đoán, điều trị của bệnh nhân.

Liên quan đến vụ việc theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, cho biết, khoảng 5h ngày 3/1, cơ sở tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi (trú xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) trong tình trạng rất mệt, đau đầu và nôn ra máu.

Vì bệnh nhân có tình trạng mệt, nôn nên được chỉ định truyền dịch. Sau 20 phút, bất ngờ bệnh nhân lên cơn co giật, sủi bọt mép, sau đó ngừng thở, ngừng tuần hoàn.

Thời gian chuyển biến xấu của bệnh nhân diễn ra quá nhanh. Bệnh nhân vừa vào, đang chờ chụp CT và mới truyền được khoảng 10ml dịch thì đã chuyển biến xấu và tử vong.

 Trung tâm đang phối hợp với các bên liên quan mời cơ quan pháp y về khám nghiệm để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, sáng 3/1, cháu N.M.P được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn để thăm khám trong tình trạng bị ho nhiều, nôn. Khi bệnh nhân đang truyền dịch thì bất ngờ tử vong.

Sau khi xảy ra sự việc, rất đông người thân của bệnh nhi đã tập trung tại trung tâm y tế, yêu cầu cơ sở này giải thích, làm rõ nguyên nhân. Em P. là con một, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tin liên quan
Tin khác