Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 8/4: 23 học sinh Quảng Trị có thể bị ngộ độc vì hạt hút ẩm
D.Ngân - 08/04/2024 09:04
Viện Pasteur Nha Trang đang hỗ trợ kiểm nghiệm mẫu để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở một trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Ngộ độc vì hạt hút ẩm?

Theo ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), khoảng 9h ngày 3/4, có 23 học sinh lớp 4, ở một trường tiểu học và THCS trên địa bàn bắt đầu xảy ra triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, khó thở.

Theo nghi ngờ ban đầu, có em học sinh đã bỏ hạt hút ẩm vào vào bình nước uống. Lúc ra chơi giữa giờ (khoảng 9h sáng), các em uống nước. Sau khoảng 10 - 15 phút, các em đều có biểu hiện ngộ độc thực phẩm như nêu trên.

Ảnh minh hoạ

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã thành lập đoàn điều tra, xử lý sự cố ngộ độc thực phẩm ở trường. Đoàn đã lấy mẫu thực phẩm gửi đi kiểm nghiệm, điều tra, tìm nguyên nhân vụ ngộ độc.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cam Lộ, ngay sau khi có biểu hiện bất thường, các học sinh đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ để thăm khám và điều trị. Đến nay, sức khỏe của 23 học sinh nói trên đã ổn định.

Hà Nội: Ghi nhận thêm 424 ca mắc tay chân miệng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 29/3 đến 5/4, địa bàn ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 47 trường hợp so với tuần trước đó).

Các ca bệnh phân bố rải rác tại 26 quận, huyện. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm 10 ca, Mê Linh 9 ca, Nam Từ Liêm 9 ca, Hà Đông 8 ca, Hoàng Mai 8 ca.

Trong tuần Hà Nội phát hiện thêm 1 ổ dịch tay chân miệng tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì với 2 ca bệnh.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 424 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 155 ca so với cùng kỳ năm 2023); 6 ổ dịch tay chân miệng. Hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động. Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 8.200 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

CDC Hà Nội dự báo có thể gia tăng ca mắc tay chân miệng trên địa bàn trong thời gian tới. Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 8 - 9 hằng năm.

CDC Hà Nội khuyến cáo, để phòng, chống bệnh tay chân miệng, đối với khối trường mầm non, tiểu học, cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh...

Bên cạnh đó, y tế cơ sở hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn.

Đối với các bậc cha mẹ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi với trẻ mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng.

Nghệ An: Nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV

Thời gian gần đây, số bệnh nhi nhập viện do virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng, đặc biệt đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Riêng tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận hơn 15 bệnh nhi viêm phổi nặng do nhiễm RSV cần được hỗ trợ hô hấp, bao gồm thở oxy và thở máy.

Điển hình là trường hợp bệnh nhi Trương Minh P. (5 tháng, Tân Kỳ) đẻ non 31 tuần. Theo lời mẹ kể, cách vào viện 2 ngày, trẻ biểu hiện sốt nhẹ kèm ho hắng hắng trong ngày, bú kém, tiểu ít. Trẻ được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng mệt mỏi, tím tái, lờ đờ , thở nhanh, môi nhợt, Sp02 88%. Phổi ran ẩm nhỏ hạt, ran rít 2 bên, tim nhịp nhanh 198ck/ph.

Tại đây, bệnh nhi được thăm khám và lấy dịch tỵ hầu xét nghiệm test nhanh RSV dương tính, các bác sĩ chẩn đoán: Trẻ bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp/ Nhiễm RSV/ Tiền sử sinh non. Bệnh nhi được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy, vận mạch, kháng sinh. Sau 4 ngày điều trị, trẻ được rút ống nội khí quản chuyển sang thở oxy. Hiện tại sau 17 ngày điều trị, trẻ tỉnh táo, chơi ngoan, tự thở, môi hồng, sức khỏe dần ổn định.

Trường hợp khác là bé con mẹ Nguyễn Lê Linh T. (55 ngày tuổi, TP Vinh) có biểu hiện ho, khò khè, không sốt, được nhập viện điều trị trên địa bàn thành phố Vinh nhưng bệnh không thuyên giảm; người nhà đưa đến nhập viện tại đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Sau 4 ngày thở máy bệnh diễn biến tốt, trẻ được cai máy, thở oxy. Sau 15 ngày điều trị tích cực, sức khỏe trẻ tốt và được xuất viện.

Các bác sĩ khoa Hối sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu-đông hoặc xuân-hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Virus RSV gây suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém. Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá  khó khăn, hiện chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho các bé.

Đồng thời, virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác cũng như với các vi khuẩn, vì vậy nhiều trường hợp trẻ phải dùng thêm kháng sinh để điều trị.

Để phòng tránh lây nhiễm RSV cần phải giảm tiếp xúc, tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ, bởi virus bám dính và sinh sống trên các bề mặt khá lâu; tránh cho trẻ tiếp xúc với các bé đang có biểu hiện ho, khò khè.

Với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở nhanh, khò khè… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác