Dấu hiệu phục hồi
Dấu hiệu phục hồi được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, quy mô TMBL lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay (gần 1,8 triệu tỷ đồng).
Ở góc độ thứ hai, quy mô TMBL có xu hướng cao lên qua các tháng. Tháng 1 và tháng 2 (là 2 tháng có Tết Dương lịch và Tết Âm lịch) thường có nhu cầu tiêu dùng cao hơn các tháng trước, nên bình quân một tháng đạt 440.000 tỷ đồng. Tháng 3 là tháng sau sau Tết Âm lịch, nhu cầu tiêu dùng thường thấp xuống, nhưng vẫn đạt 440.200 tỷ đồng và tháng 4 đã đạt 455.500 tỷ đồng.
Ở góc độ thứ ba, so với cùng kỳ năm trước, TMBL 4 tháng năm nay tăng khá (6,5%), trong đó tháng 4 còn tăng cao hơn (12,1%); nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%, cao gấp gần 4 lần tốc độ tăng dân số - có nghĩa là lượng tiêu thụ thông qua mua bán trên thị trường tăng gần 4%. Tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông qua tự cấp, tự túc trong tổng tiêu dùng cuối cùng cao lên do tác động của đại dịch Covid-19, nên tốc độ tăng lượng tiêu dùng cuối cùng tăng cao lên (quý I tăng 4,25%).
Ở góc độ thứ tư, tăng trưởng cao lên qua các tháng và tính chung 4 tháng đạt được ở 3/4 khoản trong TMBL (so với cùng kỳ năm trước, du lịch lữ hành tháng 4 tăng 49,4%, 4 tháng tăng 10,5%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4 tăng 14,8%, 4 tháng tăng 5,2%; bán lẻ hàng hóa tháng 4 tăng 12,4%, 4 tháng tăng 5,2%; dịch vụ khác tháng 4 tăng 6,7%, 4 tháng giảm 0,66%, gần đây mới hồi phục).
Cần tiếp tục kích cầu
Tốc độ tăng TMBL 4 tháng năm nay còn thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (6,5% so với 7,2%). Ngay cả khi loại trừ yếu tố giá, thì tốc độ tăng của TMBL vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (quý I là 1,6% so với 5,03%, 4 tháng có khá hơn nhưng vẫn chưa đảo chiều theo hướng tiêu thụ trong nước với phần chủ yếu là TMBL - là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế).
Mặc dù đầu tư tăng, xuất siêu tiếp tục, đặc biệt là giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao…, nhưng giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay mới tăng 2,1%… Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng thấp, dịch vụ khác còn bị giảm.
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng tương ứng của năm 2020 (2,91%) và của năm 2021 (2,58%). Theo đó, tốc độ tăng TMBL (đã loại yếu tố tăng giá) còn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của 4 tháng đầu năm.
Diễn biến trên đòi hỏi phải tiếp tục kích cầu bằng nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chủ yếu đáng quan tâm. Đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm cả gói tài khóa và tiền tệ.
Trong gói tài khóa, cần tập trung thực hiện khoản giảm thuế suất 2% để người tiêu dùng cùng một lượng tiền nhưng mua được nhiều lượng hàng, góp phần tăng cầu tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện các khoản về tài chính khác, nhất là khoản cấp bù lãi suất 2%, để kéo lượng tín dụng của ngân hàng ra lưu thông, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo tiền đề tăng sức mua có khả năng thanh toán, tăng việc mua bán trên thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, mở nhanh và rộng hơn nữa các ngành kinh tế, nhất là các ngành dịch vụ, để tăng trưởng cao hơn nữa các khoản dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ khác. Riêng về thu hút khách quốc tế, các số liệu thống kê lịch sử cho thấy, mỗi lượt khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu trên dưới 1.000 USD. Nếu năm nay đạt trên 3 triệu lượt người, thì tổng chi tiêu đạt khoảng 3 tỷ USD - một con số đáng kể, vừa góp phần tăng dự trữ ngoại hối của đất nước, vừa góp phần tăng TMBL - tức là tăng cầu.
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công, để tránh dồn vào cuối năm, vừa ảnh hưởng đến chất lượng công trình, vừa tác động đến lạm phát cuối năm. Đầu tư công ngoài ưu thế tạo thành các công trình trọng điểm, là nguồn vốn “mồi” thu hút các nguồn vốn khác; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, vùng mà các nguồn vốn khác không muốn đầu tư… Giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành vi “lái” các khoản hỗ trợ vào bất động sản, tiền ảo, vàng…, tập trung vào sản xuất, vừa kích cầu, vừa tăng trưởng kinh tế.