Ngày 11/5, UBND TP.HCM công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022 và triển khai giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023.
Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương năm 2022 của TP.HCM với vị trí bét bảng là TP. Thủ Đức |
Theo kết quả xếp hạng DDCI TP.HCM năm 2022 khối sở, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ nhất với 84,2 điểm, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp xếp thứ hai với 81,87 điểm, vị trí thứ ba là Sở Công Thương với 80,74 điểm. Ở cuối bảng xếp hạng là Sở Lao động, thương binh và xã hội với 51,75 điểm.
Đối với khối địa phương, quận Phú Nhuận đứng đầu bảng (78,56 điểm), xếp thứ 2 là Quận 11 (76,87 điểm); các vị trí tiếp theo là Quận 10 (76,67 điểm); quận Tân Phú (76,16 điểm)...
Đáng chú ý trong khối địa phương, TP. Thủ Đức đứng cuối bảng với điểm số 49,69.
Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, cấp sở, ngành của TP.HCM năm 2022 |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, việc triển khai đánh giá DDCI 2022 do thực hiện lần đầu dù còn hạn chế, thiếu sót nhưng kết quả cơ bản phản ánh được ý kiến, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
"Kết quả khảo sát DDCI là cơ sở để các sở, ban ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức nhìn nhận thế mạnh, hạn chế của mình, từ đó có giải pháp nâng cao hiệu quả, cải thiện chất lượng công vụ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để cải thiện trong những năm tiếp theo", ông Mãi nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM phê bình các cơ quan, đơn vị chưa tham gia nghiêm túc như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch chưa cung cấp các dữ liệu để doanh nghiệp khảo sát, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Về các chỉ số cấp tỉnh như PAPI, PAR Index, PCI, ông Mãi cho biết, các chỉ số năm 2022 cho thấy có 2 chỉ số là PAPI và PAR Index có cải thiện, nhưng chỉ số quan trọng là PCI thì giảm rất sâu. Điều này cho thấy, Thành phố có nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt như mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị từng sở ngành, UBND quận, huyện,TP. Thủ Đức khẩn trương, xây dựng kế hoạch cải thiện các chỉ số, báo cáo ngay các vấn đề phát sinh cho UBND Thành phố trong tháng 5/2023.
Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá TP. Thủ Đức và các quận huyện; 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành.
Sẽ có 8 nội dung khảo sát, lấy ý kiến gồm: tính minh bạch và và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.