Ngân hàng - Bảo hiểm
Trợ lực cho Hà Nam phát triển kinh tế bền vững
Hà An - 15/01/2025 09:47
Tín dụng chính sách xã hội đang là kênh tin cậy giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn vốn chính sách giúp người dân Hà Nam phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tạo nhiều việc làm ổn định

Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hà Nam đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 10,29% so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 208 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.528 tỷ đồng, tăng 10,24% so với năm 2023.

Thông qua 109 điểm giao dịch, đến hết năm 2024, Chi nhánh đã tổ chức an toàn 1.308 phiên giao dịch cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, cùng với mạng lưới 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố. Với phương châm “Giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã”, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 17.924 lượt khách hàng vay vốn với số tiền 1.188,6 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho vay tạo việc làm mới cho 3.317 lao động, hỗ trợ xây dựng 15.152 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.340 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 135 căn nhà ở xã hội cho hộ gia đình theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, tạo điều kiện cho 56 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,15% trên tổng dư nợ.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách, trong năm 2024, Chi nhánh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn mở tài khoản, chi trả an sinh xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng với 3.828 tài khoản, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Những nỗ lực của từng người dân và sự thẩm thấu của dòng vốn tín dụng chính sách vào đời sống đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,81% năm 2015 xuống còn 1,51% theo chuẩn nghèo đa chiều mới vào cuối năm 2024. 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng ghi dấu ấn hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất chiêm trũng Hà Nam.

Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp với mạng lưới rộng khắp, nên 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo... Ví như gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm là hộ nghèo của xã.

Chồng mất sớm vì bệnh trọng, suốt 6 năm chạy chữa cho chồng khiến kinh tế gia đình bà Huệ kiệt quệ. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đã mua bò, dê, gà về nuôi, đồng thời mua cây keo giống về trồng và xen canh các loại cây màu. Từ đó, cuộc sống của gia đình bà Huệ có nhiều thay đổi tích cực.

Hay như Cơ sở sản xuất giò chả của gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân. Hiện nay, ngoài 2 vợ chồng, gia đình còn thuê 4 nhân công là người địa phương. Mỗi ngày, cơ sở của chị cung cấp ra thị trường gần 200 kg giò, đem lại lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: “Nguồn vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình tôi từ những ngày đầu khó khăn nhất và có được cơ ngơi như hiện tại”.

Tuy nhiên, con đường giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Hà Nam còn không ít khó khăn, khi tỷ lệ hộ nghèo còn tới 1,51%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,79% trong tổng số 280.000 hộ của tỉnh. Định hướng của Hà Nam trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng vào những năm tới cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho tỉnh trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung cho biết, đơn vị sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, đề nghị chính quyền quan tâm thực hiện hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới.

Tin liên quan
Tin khác